Xem nghệ nhân làm sản phẩm gốm Phnôm Pi

24/12/2022 - 16:54

 - Ngày 24/12, tại ấp Phnôm Pi, xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) và Trường THCS Ô Lâm (huyện Tri Tôn) tổ chức cho học sinh trải nghiệm nghề làm gốm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Các học sinh khối 9 được giới thiệu về văn hóa đặc trưng, xem nghệ nhân làm sản phẩm và tìm hiểu cách sản xuất các dụng cụ nấu nướng bằng đất nung, cùng làng nghề truyền thống nồi đất ở Phôm Pi.

Hoạt động trải nghiệm nhằm hỗ trợ cho học sinh khối 9 khi học môn lịch sử, tìm hiểu về gốm xưa, tìm hiểu kiến thức văn hóa đặc trưng của đồng bào...

Các vật dụng phổ biến làm từ đất nung được “thu nhỏ” thành mô hình để giới thiệu cho các học sinh.

Truyền thống làm gốm của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại Phnôm Pi hình thành trên trăm năm. Những vật dụng quen thuộc, như: Cà ràng, nồi đất, khuôn bánh khọt, ống khói bếp… là hiện thân cho một phần văn hóa Khmer vùng Bảy Núi.

Nguyên liệu đất làm ra các sản phẩm là loại đất đào dưới chân núi và ở độ sâu 1-2m. Tất cả công đoạn làm từ xưa đến nay đều giữ nguyên bằng thủ công, thậm chí mỗi sản phẩm không có khuôn. Mỗi dụng cụ hoàn thành lệ thuộc bàn tay kinh nghiệm và sự sáng tạo của thợ.

Hiện nay, còn rất ít nghệ nhân còn theo nghề, bởi công việc này rất vất vả, từ lấy đất, chở rơm, chất củi, nắn sản phẩm… Đó là chưa kể phải lệ thuộc thời tiết, nắng thì 3 ngày, còn mưa phải đợi 7 ngày mới đem sản phẩm đốt nung được.

Nghề làm gốm nói riêng và những nét văn hóa trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi nói chung luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Trong đó, các trường học giữ vai trò quan trọng, giáo dục học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của đồng bào và có trách nhiệm gìn giữ lâu dài.

MỸ HẠNH