Xem văn nghệ ở quê

25/02/2024 - 10:20

 - Công nghệ phát triển, đời sống tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao. Nhưng một số người vẫn dành niềm yêu thích cho chương trình nghệ thuật lưu động tổ chức tại quê mình. Buổi tối ở làng quê trở nên lung linh sắc màu, rộn rã âm nhạc.

Cuối tháng 2/2024, chương trình nghệ thuật lưu động chào mừng 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 – 3/3/2024), 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 – 3/3/2024) về đến nhiều vùng nông thôn khu vực biên giới của tỉnh An Giang.

Điều dễ nhận thấy, “khán giả” đến dự đông nhất, nhiệt tình nhất vẫn là đám trẻ nhỏ. Các bé chưa đủ nhận thức để hiểu được thông điệp đoàn nghệ sĩ truyền đạt, nhưng ánh sáng xanh đỏ bắt mắt của sân khấu níu chân em nhỏ đến tận cuối chương trình.

Cô bé này hơn 2 tuổi, được cha ẵm đến Nhà văn hóa xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) thật sớm, chọn “chỗ ngồi Vip” hàng đầu. Bé thích thú theo dõi từng nhịp múa tiếng hát, cũng biết vỗ tay khi kết thúc mỗi màn trình diễn.

Lúc chương trình mới diễn ra, lác đác vài người đến, chủ yếu bởi hiếu kỳ. Dần dần, người ở lại đông hơn, đủ mọi lứa tuổi, nam nữ, chen nhau ngồi kín hàng ghế.

Họ mặc bộ quần áo đơn giản ở nhà, tìm chỗ đứng, ngồi xung quanh sân khấu để thưởng thức các tiết mục văn nghệ. Chẳng ai câu nệ vị trí đẹp – xấu, xa – gần, ngồi ghế hay ngồi bệt xuống đất… miễn sao bản thân cảm thấy thoải mái là được.

Ánh sáng từ màn hình điện thoại thông minh nhắc mọi người rằng đây không phải là khung cảnh ngày xưa, mà đang ở thời công nghệ lên ngôi. Ngoài việc tập trung theo dõi sân khấu, một số người còn tranh thủ ghi lại hình ảnh để hôm sau xem lại lần nữa, lưu giữ kỷ niệm một ngày Xuân nhộn nhịp.

Bà Nguyễn Thị Chiếu (75 tuổi) sống qua nhiều thăng trầm lịch sử, gắn bó với biên giới Việt Nam – Campuchia cả cuộc đời. Bà vẫn giữ sở thích xem văn nghệ như thuở chờ đón mấy gánh hát về quê.

 “Hồi nãy tôi đi cúng rằm, nghe tiếng nhạc bên kia sông. Hỏi ra mới biết bữa nay tỉnh tổ chức văn nghệ. Vậy là tôi cùng đám con cháu đi đò qua xem hát. Công nhận, chương trình vừa đẹp mắt vừa vui tai!” – bà vỗ tay không ngớt.

Ở quê, sau 20 giờ thường vắng người, đường sá chìm dần vào giấc ngủ. Nhưng mỗi khi có đoàn nhạc về, lời ca tiếng hát “lôi kéo” người dân cùng thức, cùng vui, cùng cười với nghệ sĩ. Món ăn tinh thần ấy sẽ giúp họ thêm trải nghiệm vui vẻ, thêm gắn bó với nhau.

GIA KHÁNH