Xét tuyển khối C ngành kỹ thuật, kiến trúc không thi vẽ: Lo cho chất lượng nhân lực

24/03/2018 - 09:48

Năm 2018, việc một số trường ĐH xét tuyển cả những thí sinh khối xã hội (văn, sử, địa) vào học các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc không cần thi năng khiếu đã tạo nên làn sóng tranh luận mạnh mẽ về việc lựa chọn đầu vào thế nào để có nguồn nhân lực đạt chất lượng.

Các chuyên gia lo ngại việc xét tuyển các tổ hợp môn không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Khó đào tạo chất lượng

Theo PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, với những ngành kỹ thuật, để đạt được chất lượng đào tạo như mong muốn đòi hỏi thí sinh (TS) dự tuyển trội về năng lực tư duy logic, thể hiện qua điểm số các môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN) như toán, lý, hóa. “Nếu lựa chọn được TS giỏi toàn diện thì tốt, nhưng nếu không được thì cần đánh giá trước hết qua các môn KHTN, đặc biệt là toán”, PGS Đông nói.

Cũng theo PGS Đông, ở các nước phát triển, chẳng hạn Pháp, yêu cầu đầu vào của hệ thống khối trường ĐH kỹ thuật là phải đạt kết quả học tập tốt các môn toán, lý, hóa ở trường phổ thông. Một số nước khác thì yêu cầu đánh giá TS qua kết quả học tập của ít nhất 1 môn KHTN, mà đa số chọn môn toán.

PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho rằng để theo học các ngành liên quan đến kỹ thuật nhất thiết phải có khả năng toán học. “Một sinh viên không có năng lực toán học thì sẽ không thể tốt nghiệp được dù trúng tuyển”, ông Hưng nói.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho rằng: “Yêu cầu về khả năng tư duy logic, toán học với các ngành kỹ thuật là quan trọng. Nếu không có các khả năng này thì có vào được trường cũng khó có thể ra trường. Vì vậy, các ngành kỹ thuật cần thiết phải có tổ hợp xét tuyển liên quan đến KHTN. Nếu sử dụng tổ hợp KHXH cho các ngành này sẽ không phù hợp”.

Thảm họa nếu kiến trúc sư không có khiếu thẩm mỹ

Hãy hình dung toàn bộ vẻ mặt đô thị do 75 - 80% KTS không có khiếu thẩm mỹ tác động vào thì đúng là thảm họa”

KTS Hoàng Thúc Hào

Theo kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào, giảng viên Trường ĐH Xây dựng, việc bỏ thi vẽ tuyển kiến trúc có thể là do hai trường hợp. Hoặc là một phản ứng cực đoan trước cách thức đánh giá đầu vào môn vẽ hiện nay. Hoặc do nhận thức lệch lạc về sự cần thiết của năng khiếu thẩm mỹ đối với một KTS.

Với trường hợp thứ nhất thì thay vì bỏ thi vẽ, chúng ta cần nghiên cứu đổi mới đề thi để giúp giám khảo phát hiện được những TS thực sự có năng khiếu thẩm mỹ. Chẳng hạn có những đề cho TS được lựa chọn. Với trường hợp thứ hai, có thể họ thấy thực tế là ngành KTS rất rộng và trong số các KTS đã được đào tạo chỉ khoảng 15 - 20% hành nghề sáng tác, số còn lại chủ yếu làm các mảng công việc khác. Nhưng không phải vì thế mà không cần lựa chọn ứng viên dự tuyển ngành KTS có năng khiếu thẩm mỹ. Vẫn rất cần, bởi phải là người có năng khiếu thẩm mỹ thì mới nhạy cảm về thẩm mỹ, nhạy bén về mặt tạo hình, từ đó mới có năng lực hiểu để đánh giá cái đẹp. Nên vẫn phải có những môn thi để phát hiện ra tố chất này của TS thì mới đào tạo được.

“Hãy hình dung toàn bộ vẻ mặt đô thị do 75 - 80% KTS không có khiếu thẩm mỹ tác động vào thì đúng là thảm họa”, KTS Hào nhận xét.

Ý kiến:

Toán, ngôn ngữ là kỹ năng cơ bản

Căn cứ để lựa chọn môn nào đưa vào tổ hợp xét tuyển cho từng ngành phải dựa trên hai yếu tố quan trọng: kỹ năng cơ bản cho tất cả những ai có trình độ ĐH và kỹ năng nghề nghiệp. Các nước từ lâu đã xác định hai kỹ năng cơ bản là tính toán và ngôn ngữ. Ở VN, do yếu tố đặc thù, cần thêm kỹ năng ngoại ngữ. Các tổ hợp tuyển sinh đầu tiên phải nhằm vào những định hướng này. Nhà nước cần tạo được sự đồng thuận cao của xã hội để thống nhất kỹ năng cơ bản. Sau đó mới đến kỹ năng nghề nghiệp, nghĩa là hướng vào các môn khoa học tương ứng.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (nguyên Phó vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT)

Nên có cái nhìn thoáng

Cần có cái nhìn “thoáng” về việc tuyển sinh đầu vào này, kể cả việc tuyển TS bằng tổ hợp môn xã hội. Công nghệ thông tin hiện nay có nhiều hướng để phát triển nghề nghiệp tương lai. Sắp tới, còn phải kết hợp với nhiều lĩnh vực khác để tạo ra các ứng dụng hiệu quả hơn. Trong đó cần có những người giỏi về toán học để xây dựng các hệ thống phức tạp, nhưng vẫn cần những người tiếp xúc khách hàng giỏi ăn nói và có tư duy khác. Quan trọng ở đây là những người thực sự có nền tảng cơ bản về khả năng tư duy, suy luận, giải quyết vấn đề.

PGS-TS Thoại Nam (Trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Môn xét tuyển phải phù hợp ngành đào tạo

Sử dụng tổ hợp khối C để xét tuyển các ngành đòi hỏi cao về tính toán là không phù hợp, bởi người giỏi khối C thường có khả năng thiên về xã hội, cũng có thể biết về tính toán, nhưng không thể đủ giỏi để đáp ứng yêu cầu tính toán cao. Tổ hợp xét tuyển là cơ sở khẳng định năng lực cơ bản của người học trong một lĩnh vực kiến thức nhất định, qua đó đánh giá năng lực học ĐH và theo đuổi nghề nghiệp sau này. Vì vậy, tổ hợp xét tuyển phải phù hợp với ngành đào tạo.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM)

Người học sẽ gặp khó khăn

Tổ hợp xét tuyển có chứa môn toán là khối kiến thức quan trọng mà người học ngành công nghệ thông tin cần có. Vì vậy, người học nếu không giỏi toán sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

PGS-TS Vũ Đức Lung (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM

Theo Thanh Niên

 

Liên kết hữu ích