Xin xem xét giám đốc thẩm việc “mua nếp người này, trả tiền cho người kia?”

19/06/2018 - 07:41

 - Vụ việc đã được bản án phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh phán quyết, có hiệu lực pháp luật, nhưng người mua nếp một mực kêu oan. Doanh nghiệp (DN) cho rằng, như vậy là họ phải trả tiền đến 2 lần cho 1 lần mua nếp.

Trình bày vụ việc đến Báo An Giang, bà Biện Thị Kim Dung (Giám đốc Công ty TNHH xay xát Dung Đức, ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) cho biết: “Ngày 21-3-2017, bà Trương Thị Giàu (sinh năm 1963, ngụ ấp Phú Đức B, xã Phú Thạnh, Phú Tân) đem nếp đến công ty của tôi chào hàng. Sau khi 2 bên thỏa thuận, đồng ý về chất lượng nếp, giá cả, tôi mua 32.941kg, trị giá trên 227 triệu đồng. Tôi đưa tiền cọc 5 triệu đồng, đến ngày hôm sau trả đủ số tiền cho bà Giàu, coi như đã thanh toán xong giao dịch”.

Bà Biện Thị Kim Dung

Bà Biện Thị Kim Dung

Ít lâu sau, bà Đặng Thị T. (ngụ xã Phú Thọ) cho rằng, bà Dung mua nếp của bà chậm thanh toán, đề nghị trả tiền. Tuy nhiên, bà Dung từ chối. Ngày 19-4-2017, bà T. làm đơn khiếu nại đến Ban Nhân dân ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, đề nghị bà Dung trả trên 222 triệu đồng, do mua nếp không chịu thanh toán. Hòa giải không thành, bà T. tiếp tục làm đơn khởi kiện vụ việc đến TAND huyện Phú Tân. Ngày 24-4, tòa án thụ lý vụ việc “Tranh chấp hợp đồng dân sự mua, bán tài sản”. Đến ngày 4-1-2018, TAND huyện Phú Tân mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên buộc bà Dung phải trả số tiền trên 222 triệu đồng cho bà T. “Không đồng ý cách giải quyết này, tôi làm đơn kháng cáo gửi đến TAND tỉnh An Giang, đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm vì có quá nhiều điều bất thường, phán quyết sai lệch, không đúng sự thật. Đến ngày 16-4-2018, TAND tỉnh An Giang quyết định giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DSST, ngày 4-1-2018 của TAND huyện Phú Tân. Tôi quyết định làm đơn xin giám đốc thẩm vụ việc, dù bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án” - bà Dung bức xúc.

Trong các bản án, hồ sơ ghi nhận lời khai của nhiều cá nhân liên quan, một số người khẳng định: bà Lê Thị L. và bà Trương Thị Giàu đều là "cò" mua nếp của bà T. Trước đó, bà T. thiếu nợ bà Nguyễn Thị Trúc L. (sinh năm 1982, ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ, Phú Tân) 218 triệu đồng. Khi bà Giàu vừa nhận tiền từ bà Dung, bà Lê Thị L. kêu bà Giàu đưa số tiền ấy cho mình để đem đi trả nợ cho bà Trúc L. (theo yêu cầu của bà T.). Bà Giàu điện thoại cho bà T. hỏi lại, được bà T. đồng ý, nên mới đưa tiền cho bà Lê Thị L. Sau đó, bà Lê Thị L. đã trả 218 triệu đồng cho bà Trúc L., còn dư 4,2 triệu đồng thì đem đến nhà bà T. trao lại. Tuy nhiên, bà T. bác bỏ các lời khai này.

Qua các thông tin, tình tiết, trình bày của người liên quan, người trong cuộc, luật sư tranh luận, đặc biệt đề xuất của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, vụ án còn có nhiều vấn đề cần được làm rõ, xem xét lại. Trước hết, vấn đề được coi là mấu chốt, cơ sở cho phán quyết của TAND, xuất phát từ biên bản của Tổ hòa giải Ban Nhân dân ấp Thượng 3. Cụ thể, người được coi là chủ thể vụ việc (bà Giàu) lại không có chữ ký trong biên bản; đương sự không được đọc nội dung; văn bản này lại bị ghi chèn thêm 2 dòng (chữ nhỏ) gây bất lợi lớn cho người bị khiếu nại. Nội dung biên bản này liền bị khiếu nại, được UBND thị trấn Phú Mỹ giải trình về vụ việc. Về thành phần của tổ hòa giải, đặc biệt đối với người chủ trì phiên hòa giải lại không tuân thủ đúng theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở. Trong các biên bản hòa giải và phiên tòa không thể hiện, không làm rõ về việc mua, bán nếp giữa bà Dung và bà T. Qua đó, việc xác định vai trò chủ thể của bà T., cho là nguyên đơn vụ việc là khiên cưỡng, chưa đúng quy định; đó là chưa kể đã bỏ sót nhiều người liên quan tham gia tố tụng vụ việc… Từ đó, có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, vẫn còn vấn đề quan trọng “để đó”, phán quyết chưa “tâm phục, khẩu phục”.

Luật sư Lâm Lê Thanh, Công ty TNHH MTV Lâm Thanh, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang (bảo vệ quyền lợi cho bị đơn Biện Thị Kim Dung) cho biết: “Thực tế, bà Dung không mua nếp của bà Đặng Thị T. mà mua nếp của bà Giàu và đã thanh toán đầy đủ, từ đó việc buộc bà Dung trả tiền cho bà T. là không đúng. Cấp sơ thẩm căn cứ vào biên bản hòa giải cơ sở để buộc trách nhiệm bà Dung là không có căn cứ, vì biên bản có viết thêm nội dung không khách quan. Ngoài ra, cấp sơ thẩm không xem xét yêu cầu độc lập cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là chưa xem xét toàn diện”. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm đề xuất: “Đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm căn cứ khoản 2, Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Biện Thị Kim Dung, sửa chữa bản án sơ thẩm số 02/2018/DSST, ngày 4-1-2018 của TAND huyện Phú Tân, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị T., do bà Dung không mua nếp của bà T., mà mua nếp của bà Giàu, đã thanh toán”.

Bài, ảnh: P.V