Tiêu hủy gia cấm nhiễm cúm. Ảnh minh họa
Vào ngày 31-7 và 1-8, tại 2 hộ dân ở xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm tuýp A chủng H5N6, với tổng đàn 10.500 con.
Sau khi nhận tin báo, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã lấy mẫu xét nghiệm, gửi Chi cục Thú y vùng VI. Kết quả cho thấy, 4 mẫu bệnh phẩm tại 2 cơ sở chăn nuôi trên đều dương tính với virus cúm A/H5N6.
Ngay sau khi có kết quả, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 10.500 con gà tại 2 hộ trên; khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, điều tra dịch tễ tại ổ dịch, lấy mẫu tại 2 hộ nuôi gà xung quanh ổ dịch để xét nghiệm đánh giá sự lưu hành của virus.
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, 2 hộ xuất hiện cúm gia cầm H5N6 tại xã Phước Thuận đều chưa tiêm phòng cúm H5N6. Số gà giống nhập về đều xuất phát từ tỉnh Bình Định. Điều đáng nói là trước khi dịch xảy ra, 1 hộ đã bán vài nghìn con gà thịt.
Trước tình hình của dịch, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất 230.000 liều vaccine cúm H5N6 tiêm cho đàn gà của 3 địa phương có dịch và trong vùng nguy cơ cao của huyện Xuyên Mộc là xã Phước Thuận, Phước Tân và thị trấn Phước Bửu. Ngoài ra, Chi cục cũng đang tiếp tục xuất vaccine để tiêm cho 4 xã nằm trong vùng quy hoạch an toàn dịch bệnh của huyện Xuyên Mộc nhằm phòng, chống khẩn cấp dịch cúm H5N6.
Do cúm A/H5N6 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan sang người và dẫn đến tử vong, vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, ban, ngành liên quan triển khai giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm.
Ngành y tế giám sát chặt chẽ cúm trên người, đề phòng dịch bệnh lây sang người. Các địa phương vệ sinh cơ giới, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch, tiêm vaccine cúm gia cầm trên diện rộng.
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cũng khuyến cáo người dân tiêu độc, khử trùng chuồng trại; các hộ dân sinh sống vùng có dịch không được tái đàn vào thời điểm này. Số gia cầm người dân sử dụng phải được cơ quan thú y kiểm soát, có nguồn gốc rõ ràng. Những gia cầm xuất ra khỏi địa phương đang có dịch phải được sự cho phép của cơ quan thú y, khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới vận chuyển khỏi vùng có dịch…
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm
Cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi.
Đặc biệt bệnh cúm A/H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong (đã ghi nhận người mắc dẫn đến tử vong ở Trung Quốc). Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cúm lây truyền từ người sang người.
Tại Việt Nam, chủng virus cúm này được phát hiện trên đàn gia cầm từ vài năm trước.
Để phòng chống lây nhiễm cúm A/H5N6 từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo cơ quan thú y và chính quyền địa phương xử lý triệt để ổ dịch, thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc, tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát virus cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ
Ngành y tế cần chú ý giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm. Với trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm chết thì cần lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Người dân nên hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; chỉ sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ.
Theo Chính Phủ