Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong quý đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,06 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 21%).
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 36 mặt hàng, trong đó có 19 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, 8 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD. Đặc biệt, có 6 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện loại, linh kiện; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép.
So với cùng kỳ năm 2023, có 31/36 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng kim ngạch, trong đó có 9 mặt hàng tăng khá (trên 100 triệu USD), 1 mặt hàng có mức tăng rất cao (máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng trên 1 tỷ USD).
Xuất khẩu sang Mỹ quý I đạt nhiều kết quả nổi bật. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, Mỹ là thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới. Việt Nam tuy nằm trong tốp các thị trường xuất khẩu lớn vào Mỹ nhưng mới chiếm khoảng 3% tổng mức nhập khẩu của nước này. Do đó, dư địa xuất khẩu sang Mỹ còn rất lớn, tạo kỳ vọng đạt kỷ lục mới trong năm 2024 về kim ngạch xuất khẩu.
Trước đó, kỷ lục cũ được thiết lập vào năm 2022, với 109,4 tỷ USD.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định, nhiều năm liên tiếp, Mỹ là điểm đến quan trọng của hàng Việt. Năm 2023, dù chịu nhiều tác động từ biến động kinh tế, lạm phát trên thế giới...nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu gần 97 tỷ USD hàng sang Mỹ.
“Bước sang năm 2024, mặc dù có nhiều điểm tích cực trong việc xuất khẩu sang Mỹ, nhưng cũng tiềm ẩn những thử thách bởi vì kinh tế Mỹ vẫn chưa hết khó khăn.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, vận dụng kinh tế số để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp nhập khẩu nhằm giảm bớt thủ tục và chi phí, từ đó mới nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm.
Các doanh nghiệp cũng phải liên kết với nhau, tạo quy mô đủ lớn để có thể tham gia tích cực vào các chuỗi giá trị quốc tế, qua đó có cơ hội phát triển bền vững”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận xét: Qua quý I, có thể thấy thị trường trọng điểm xuất khẩu là Mỹ đang có nhu cầu tiêu dùng lớn.
Trong khi Mỹ đang tạo mọi điều kiện để cho thúc đẩy hoạt động giao thương giữa 2 nước thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng nắm bắt được các yêu cầu, quy định của thị trường xuất khẩu. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong quý II và cả năm 2024 đứng trước cơ hội bứt phá.
Ngoài ra, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ chính là cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, du lịch, kiều hối…
Chênh lệch giá hối đoái VND/USD tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao. Theo đó, sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có lợi thế giá rẻ do giá nhân công rẻ.
Riêng với lĩnh vực nông sản, các chuyên gia cho rằng Mỹ vẫn luôn là quốc gia nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Lý do là nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu...nhưng Mỹ không có thế mạnh để sản xuất.
Người Mỹ cũng đang ngày càng yêu thích những sản phẩm đến từ Việt Nam như trái cây, hải sản…những sản phẩm có nét đặc trưng riêng của Việt Nam khó tìm thấy ở quốc gia khác.
Thực tế từ số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Từ diễn biến trong quý I và các yếu tố tác động trên, các chuyên gia kỳ vọng hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 sẽ tiếp tục đạt nhiều con số ấn tượng, thậm chí vượt kỷ lục của năm 2022.
Theo PHẠM DUY (VTC news)