Xung đột Hamas-Israel: Liên hợp quốc phản đối kế hoạch hậu xung đột của Israel

25/02/2024 - 15:35

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Guterres nêu rõ, Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, tiếp cận viện trợ nhân đạo nhiều hơn, đồng thời thả con tin ngay lập tức và vô điều kiện.


Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 22/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 24/2, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đánh giá kế hoạch của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với Gaza thời hậu chiến đi ngược lại giải pháp 2 nhà nước.

Người phát ngôn Dujarric nêu rõ, Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, tiếp cận viện trợ nhân đạo nhiều hơn, đồng thời thả con tin ngay lập tức và vô điều kiện.

Ông Dujarric nhắc lại quan điểm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres rằng: “Bất kỳ giải pháp bền vững nào cho hòa bình lâu dài đều phải nằm trong khuôn khổ giải pháp 2 nhà nước, chấm dứt việc chiếm đóng và thành lập 1 quốc gia hoàn toàn độc lập, dân chủ, có chủ quyền và Nhà nước Palestine vững mạnh, trong đó Gaza là một phần không thể thiếu, phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và các hiệp định song phương hiện có”.

Trước đó, truyền thông Israel đưa tin, Thủ tướng Netanyahu đã đề xuất 1 kế hoạch cho Dải Gaza thời hậu xung đột, trong đó nêu rõ các quan chức Palestine địa phương không có liên kết với phong trào Hồi giáo Hamas hay những lực lượng ủng hộ phong trào này ở nước ngoài, sẽ quản lý vùng đất này.

Trong đề xuất, ông Netanyahu nêu rõ, quân đội Israel tiếp tục cuộc chiến với Hamas cho đến khi đạt được các mục tiêu quan trọng như giải tán Hamas và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo, đồng thời bảo đảm phóng thích tất cả các con tin vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.

Kế hoạch có đoạn viết Israel sẽ tiến hành dự án đã được triển khai nhằm thiết lập vùng đệm an ninh ở khu vực biên giới dải đất bên phía Palestine.

Bản kế hoạch cũng đề cập đến việc Israel muốn duy trì quyền kiểm soát an ninh với tất cả vùng đất phía tây Jordan, bao gồm Bờ Tây và Dải Gaza.

Trong thông báo ngày 24/2, Thủ tướng Netanyahu cho biết vào tuần tới, ông sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của nội các về chiến dịch trên bộ tại thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza.

Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Netanyahu xác nhận, sẽ triệu tập cuộc họp nội các vào đầu tuần tới để thông qua các kế hoạch hành động tại Rafah, bao gồm việc sơ tán dân thường.

Ông cho rằng, chỉ có sự kết hợp giữa áp lực quân sự và đàm phán cứng rắn mới có thể dẫn đến việc phóng thích các con tin, giải tán phong trào Hamas cũng như các mục tiêu đề ra sau xung đột.

Rafah, thành phố ở cực nam của Dải Gaza, đã trở thành nơi trú ẩn cho khoảng 1,4 triệu người chạy trốn bạo lực tại phía bắc Gaza. Liên hợp quốc cảnh báo, việc mở rộng hoạt động quân sự của Israel tại Rafah sẽ để lại "những hậu quả nhân đạo thảm khốc".

Trong khi đó, nội các Israel đã quyết định cử 1 phái đoàn tới thủ đô Doha, Qatar vào tuần tới để tiếp tục các cuộc thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.

Phái đoàn sẽ bao gồm 4 quan chức chịu trách nhiệm thảo luận các mảng kỹ thuật của vấn đề nhân đạo trong thỏa thuận.

Nội dung thỏa thuận được kỳ vọng bao gồm việc chấm dứt xung đột, thả con tin mà phong trào Hamas đang cầm giữ, Israel trả tự cho các tù nhân Palestine, cũng như tăng cường viện trợ nhân đạo vào Gaza.

Nội các Israel đã đưa ra quyết định trên sau khi các bộ trưởng nhận được thông tin về các cuộc thảo luận do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian tại Paris (Pháp).

Giới chức Israel đánh giá các cuộc thảo luận này mang tính xây dựng và các bên đã đạt được khung sơ bộ về thỏa thuận. Tuy nhiên, phong trào Hamas khẳng định không có tiến bộ đáng kể đạt được sau hội nghị.

Kênh truyền hình Al-Qahera News dẫn các nguồn thạo tin cho biết, trại tị nạn mới sẽ bao gồm 400 lều với sức chứa khoảng 4.000 người, được trang bị đầy đủ điện, nước và phòng vệ sinh. Ai Cập sẽ hoàn tất việc dựng trại vào cuối tuần này.

Tháng 12/2023, Ai Cập cũng đã dựng trại tương tự cho người Palestine phải đi lánh nạn ở Khan Younis.

Theo TTXVN