Ý chí thoát nghèo của phụ nữ biên giới

02/01/2023 - 07:30

 - Vĩnh Xương (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) là xã biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không ít hộ dân tập trung phát triển sản xuất, tự nguyện xin ra khỏi hộ cận nghèo. Gia đình bà Lê Thị Kiểm (sinh năm 1976, ngụ ấp 1) là điển hình như thế.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, bà Lê Thị Kiểm cho biết, chồng mất sớm, một mình bà vất vả bươn chải nuôi 3 con nhỏ ăn học. Mối lo “cơm áo gạo tiền” luôn đè nặng trên đôi vai của người phụ nữ ấy. Với nguồn vốn ít ỏi, bà bán bánh cam và đi làm thuê. Dù nỗ lực lao động, nhưng do việc làm thuê bấp bênh, gánh nặng học hành của con cái cứ đè nặng, cảnh nghèo vẫn bám lấy gia đình bà. Khó khăn chồng chất, bà được chính quyền địa phương cấp sổ hộ cận nghèo.

Năm 2019, thấy gia đình bà Kiểm khó khăn nhưng chí thú làm ăn, chính quyền địa phương hỗ trợ giới thiệu vay 15 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Tân Châu. Như được tiếp thêm động lực, bà Kiểm chí thú làm ăn, quyết tâm thoát nghèo. Số tiền vay được, bà đóng chiếc xe đẩy mua bán phế liệu. Hàng ngày, từ 8 giờ đến 14 giờ, bà cùng chiếc xe đẩy đi khắp nẻo đường để mua bán ve chai, vỏ nhựa, sắt vụn...

“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, dù nắng hay mưa, bà không quản khó khăn, kiếm tiền lo cho các con. Bản tính cần cù, chịu khó, bà Kiểm luôn được người dân quý mến. Ai có đồ phế liệu cũ đều để dành bán cho bà. Từ việc mua bán phế liệu, bà Kiểm có nguồn thu nhập ổn định 100.000 đồng/ngày. Cuộc sống của gia đình bà đỡ vất vả hơn.

Bà Kiểm luôn phấn đấu vươn lên

Trò chuyện với chúng tôi, bà Kiểm cho biết, bà tự nguyện xin rút khỏi hộ cận nghèo. “Tôi nhường lại cho hộ khác. Được địa phương quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tôi và các con có thêm ý chí, động lực vươn lên trong cuộc sống. Tự thấy bản thân vẫn còn nhiều sức khỏe, nên tôi luôn nỗ lực vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Ba đứa con của tôi nay đã lớn, có công ăn việc làm ổn định. Tôi đi làm có đồng ra đồng vô. Từng bươn chải vất vả mà nhà luôn thiếu trước hụt sau, nên tôi hiểu lắm sự nghèo khó, không tiền những lúc ốm đau” - bà Kiểm chia sẻ.

Giờ đây, nhà của bà Kiểm đã khang trang hơn, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình tiện nghi hơn. Các con bà đi làm tại TP. Hồ Chí Minh, có mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng/người. Họ gửi chi phí sinh hoạt hàng tháng và sửa lại nhà cửa cho bà.

Bà Hồ Thị Thanh Thúy (cán bộ UBND xã Vĩnh Xương) cho biết: “Gia đình bà Lê Thị Kiểm nhiều năm qua là hộ cận nghèo của xã, nhưng luôn chí thú làm ăn, tự lực vươn lên bằng sức lao động chính đáng của bản thân. Thực hiện chủ trương giảm nghèo, lãnh đạo địa phương chỉ đạo các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đầu tháng 10, hộ bà Kiểm đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã, tạo điều kiện cho địa phương giúp đỡ hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Bà là một trong những điển hình không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước”.

Chính sách trợ giúp cho đối tượng nghèo là nghĩa cử cao đẹp, mang truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam, nhưng cũng hình thành tư tưởng ỷ lại. Một số người thích làm hộ nghèo, không muốn vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh những hộ tự nguyện thoát nghèo, vẫn đâu đó còn biểu hiện “muốn nghèo”, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Hành động tự nguyện xin thoát nghèo - dù cuộc sống chưa gọi là dư giả - là tấm gương sáng, đáng biểu dương. Với những hộ nghèo, đó là động lực để họ cố gắng vươn lên, phấn đấu làm ăn để ngày nào đó sẽ trả lại sổ hộ nghèo, cận nghèo trong niềm tự hào. 

Tính đến cuối tháng 11/2022, xã Vĩnh Xương có 57 hộ nghèo, giảm 104 hộ; 294 hộ cận nghèo, giảm 169 hộ so với năm 2019. Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chính sách giảm nghèo, địa phương đã khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân trên toàn xã

 

PHƯƠNG LAN - LÊ KIỀU