Từng nếm trải nhiều khó khăn, vất vả khi phải một mình nuôi 5 con thơ vì chồng đột ngột qua đời, nhà lại không ruộng đất, không nghề nghiệp ổn định, nên chị Hồng Yến thấm thía lắm cái nghèo. Gần 10 năm nằm trong danh sách hộ cận nghèo của địa phương, chị Yến được hưởng nhiều chính sách, từ việc được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế đến chuyện học hành của các con… Trò chuyện với chúng tôi, chị Yến cho biết, chị hoàn toàn tự nguyện xin rút khỏi hộ cận nghèo. Hôm đến thăm nhà chị, bà con hàng xóm ai cũng xúm xít bảo rằng chị là người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó. “Tôi làm đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo năm 2020 để nhường lại cho hộ khác. Nhiều năm rồi được địa phương quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tôi và các con có thêm ý chí, động lực vươn lên trong cuộc sống” - chị Yến rơm rớm nước mắt.
Căn nhà chị Yến ở cùng 5 người con của mình tuy nghèo nhưng rất ấm áp
Nhớ lại khoảng thời gian đã qua, những ai quen biết người phụ nữ này đều bảo đó là một nghị lực hơn người, biết vượt qua số phận và cố gắng vươn lên thoát nghèo. Không kiềm được cảm xúc, chị Yến tâm sự với đôi mắt đỏ hoe: “Lấy chồng, lần lượt có 5 đứa con, dù cuộc sống có khó khăn nhưng vợ chồng nương tựa nhau rất hạnh phúc. Năm 2011, chồng tôi qua đời để lại tôi và 5 con thơ (đứa lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất mới 30 tháng). Tôi hoàn toàn suy sụp, vật vả trong những khó khăn chồng chất khi một mình nuôi con, vừa là mẹ, vừa là cha. Không ruộng đất, không nghề nghiệp ổn định, tôi chật vật mưu sinh với nghề “ai kêu gì làm nấy”. Nào là phụ hồ, chụm lò sấy, làm mướn… với tiền công ít ỏi, cố gắng dành dụm lo cho các con nên người. Có lẽ động lực giúp tôi vượt qua nỗi đau năm ấy chính là các con thơ dại. Đến ngày hôm nay, các con vẫn là tài sản vô giá nhất mà tôi may mắn có được. Vì thế, tôi tự nhủ, dù nghèo khó nhưng chỉ cần cố gắng, chăm chỉ thì sẽ thay đổi được cuộc sống”.
Các con của chị Yến rất hiếu thảo. Khi cha mất, những người con lớn phụ mẹ chăm em và giúp việc nhà. Có đứa vừa học, vừa bán vé số để có thêm tiền tiếp mẹ trang trải cuộc sống. Năm 2012, chị Yến được địa phương cất cho căn nhà Đại đoàn kết để có được tổ ấm vững chắc hơn. Năm tháng qua đi, căn nhà ấy vẫn được chị bảo quản rất kỹ, dù đã gần 8 năm nhưng căn nhà chỉ bị dột vài chỗ, chứ không hư hao nhiều. Chị Yến rất vui với cuộc sống hiện tại bởi các con đều đã lớn khôn. Hai người con gái lớn đều làm ăn xa và gửi tiền phụng dưỡng mẹ không sót tháng nào. Hãnh diện khoe với chúng tôi về cậu con trai thứ 3 Trần Tuấn Kiệt với thành tích nhiều năm liền đạt học sinh giỏi của trường. Không chỉ tốt nghiệp THPT, Kiệt còn đậu đại học chuyên ngành công nghệ ôtô ở Trường Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh). “Cháu Kiệt có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản để chăm lo cho mẹ và các em được tốt hơn. Cháu đã được địa phương giới thiệu, hướng dẫn để hoàn thành hồ sơ, thủ tục cần thiết để đi xuất khẩu lao động” - chị Yến chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Thoại Giang Phạm Minh Hà cho biết: “Khi chị Trang Hồng Yến bày tỏ nguyện vọng được rút khỏi hộ cận nghèo của địa phương, chúng tôi rất bất ngờ. Bởi hoàn cảnh khó khăn của chị ai cũng hiểu và cảm thông. Năm 2018, chúng tôi từng khảo sát và dự định hỗ trợ chị căn nhà trị giá 50 triệu đồng do nhà hảo tâm hỗ trợ nhưng chị Yến từ chối. Năm 2019, đã 2 lần chúng tôi khảo sát và có ý định hỗ trợ bộ tole để chị sửa lại căn nhà, nhưng chị Yến tiếp tục từ chối vì muốn nhường lại cho người khó khăn hơn. Chị Yến là tấm gương vượt khó nuôi con nên người đáng được biểu dương và học tập. Chúng tôi sẽ xem xét và đưa chị Yến thoát hộ cận nghèo vào đầu năm 2020”.
Năm 2019, xã Thoại Giang có 14/49 hộ thoát nghèo, 25/101 hộ thoát cận nghèo; cận nghèo phát sinh 5 hộ. Như vậy, tính đến cuối năm 2019, số hộ nghèo toàn xã còn 35/2.542 hộ, chiếm tỷ lệ 1,38%; hộ cận nghèo còn 82/2.542 hộ, chiếm tỷ lệ 3,22%. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN