Ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

16/02/2023 - 07:14

 - Thực hiện Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân; tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, vấn đề nhưng tập trung 9 vấn đề quan trọng, được nhân dân cho ý kiến nhiều nhất. Cụ thể, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất. 

Trao đổi về “Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất”, ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh) cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu: “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Nhưng cần phải làm rõ việc sử dụng độ sâu, chiều cao quy định ở văn bản nào, vì trong dự thảo luật và nhiều văn bản pháp luật khác cũng chưa đề cập. Đây là vấn đề liên quan đến các quyền về sử dụng đất để người dân xây dựng công trình ngầm, công trình cao tầng nên rất cần quy định cụ thể.

Điều 67 của dự thảo luật quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đối chiếu với luật hiện hành, phạm vi được mở rộng, cụ thể hơn. Tuy nhiên, để tránh bất cập trong quá trình thực hiện, dự thảo cần làm rõ về mục đích, tiêu chí trường hợp cần thiết phải tiến hành thu hồi. Thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và liên quan trực tiếp đến quyền lợi, sinh kế của người dân. Đây là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều phản ánh, khiếu kiện, tố cáo. Qua đó, cần có quy định cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời giúp các địa phương chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Giá đất, thị trường đất đai là ý kiến của bà Quách Trần Xuân Lan (khóm Đông Thịnh 7, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, bà cho biết, thị trường bất động sản ở tỉnh ta cũng như nhiều nơi khác xảy ra tình trạng đối tượng "cò đất" cấu kết nhau tạo mặt bằng giá, nâng giá, người dân có nhu cầu mua nhà, đất không thể tiếp cận đúng với giá trị thực tế. Cuối cùng, người dân phải chi ra số tiền cao hơn giá trị thật của nhà, đất, lợi nhuận chạy vào túi các đối tượng "bắt tay" nhau thao túng thị trường, gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu về nhà ở. Theo ý kiến của bà Lan, dự thảo Luật Đất đai nên đánh thuế chuyển nhượng cao nếu nhà đầu tư mua đi bán lại. Đồng thời, nhà nước cần nâng mức thuế người có nhiều bất động sản, nhất là đối tượng không đưa đất vào sử dụng; xử lý nghiêm tổ chức, đối tượng tiếp tay và thao túng thị trường, cùng nhóm người tung tin giá đất ảo để trục lợi bất chính. Luật Đất đai sắp tới cần quy định minh bạch, công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân được biết, tránh được tình trạng sốt đất ảo.

Liên quan đến vấn đề bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, nông dân Nguyễn Ngọc Tuấn (ngụ ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn) cho rằng, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất thời gian qua từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, góp phần ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không ít người cảm thấy chưa thỏa đáng, dẫn đến tình trạng không đồng thuận, bức xúc, phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Do đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa quy định đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, trong đó, thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”; bảo đảm quyền lợi… Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; trong bồi thường phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1, kết thúc ngày 15/3/2023. Ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để trình Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai trong tháng 4/2023.

N.R

 

Liên kết hữu ích