Khung cảnh xanh mát, yên bình ở búng Bình Thiên
Cách trung tâm TP. Châu Đốc khoảng 35km, búng Bình Thiên nằm trải dài qua các xã: Nhơn Hội, Khánh An, Khánh Bình (huyện An Phú). Búng Bình Thiên gồm 2 hồ nước búng Lớn và búng Nhỏ. Búng Lớn có diện tích mặt nước trung bình khoảng 193ha, búng Nhỏ có diện tích mặt nước trung bình khoảng 10ha. Không chỉ giữ vai trò điều tiết nước cho một phần châu thổ của dòng Mekong, búng Bình Thiên còn là điểm đến thu hút du khách thích khám phá sông nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long với nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm.
Nước ở búng Bình Thiên trong xanh quanh năm, chỉ dâng lên, hạ xuống chứ không chảy. Vào mùa nước nổi, khi các con sông đục ngầu phù sa, nước ở Búng Bình Thiên vẫn mênh mông xanh ngắt. Điều này làm cho búng Bình Thiên mang điểm đặc biệt so với các hồ nước thông thường. Vào mùa khô, nước ở búng Bình Thiên mang màu xanh ngọc bích. Mặt nước hồ rộng lớn, phẳng lặng như tấm gương khổng lồ, phản chiếu bầu trời trong xanh. Khi hoàng hôn buông xuống, mặt hồ lại khoác lên mình tấm áo đỏ rực rỡ.
Những người cao niên ở địa phương kể lại, dân gian truyền tai nhau những truyền thuyết lý giải việc hình thành búng Bình Thiên, trong đó, có truyền thuyết kể rằng, trong lúc trốn chạy quân Tây Sơn qua vùng An Phú, do thời tiết khô hạn, quân sĩ đói mệt nhưng xung quanh chẳng có nguồn nước nào, chúa Nguyễn Ánh quan sát thấy có 1 hồ rộng lớn nhưng chỉ toàn cát và đá nên rút gươm đâm thẳng xuống đất, bỗng đâu có dòng nước chảy ra. Nhờ nguồn nước ấy, cả đội quân theo phò chúa Nguyễn Ánh được cứu.
Còn truyền thuyết thứ 2 cho rằng, vào cuối thế kỷ thứ XVIII, 1 viên tướng của nhà Tây Sơn là Võ Văn Vương hành quân qua khu vực búng Bình Thiên vào mùa khô, nhìn thấy 1 hồ rộng lớn nhưng không có nước, Võ Văn Vương dâng lễ vật cúng trời đất mong ban nước cho các binh sĩ, khi ông đâm thanh gươm xuống đất thì có một dòng nước trào lên đọng thành hồ. Từ đó về sau, hồ nước được người dân đặt tên là búng Bình Thiên hay còn gọi “hồ nước trời”.
Khách tham quan có thể đến ngắm cảnh búng Bình Thiên vào bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên, vào mùa nước nổi là thời điểm “hồ nước trời” mênh mông, tạo cảm giác thơ mộng, yên ả nhất. Khoảng tháng 8 hàng năm, khi dòng nước từ thượng nguồn đổ về cũng là thời điểm nước nổi tràn đồng. Nước dâng cao khiến 2 hồ búng Lớn và búng Nhỏ hòa làm một, bề mặt búng Bình Thiên lúc này trở nên bao la, với diện tích mặt nước lên đến khoảng 900ha. Mặt hồ xuất hiện nhiều loại cây thủy sinh phủ xanh tạo nên bức tranh nên thơ, tràn đầy sức sống. Lần đầu đến tham quan búng Bình Thiên, anh Trần Tiến Bình (ngụ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Nghe nói nhiều về búng Bình Thiên nên có dịp đến TP. Châu Đốc gia đình tôi tranh thủ tìm đến để tham quan. Hồ nước này đúng là được thiên nhiên ưu ái, ngắm khung cảnh này khiến người ta cảm giác bình yên”.
Dừng chân tại khu đất trống bên búng Bình Thiên đối diện Thánh đường Hồi giáo Masjid Al Khairiyah (tọa lạc tại xã Nhơn Hội, huyện An Phú), bên dưới những những tán cây phủ mát, nhìn về búng Bình Thiên, du khách sẽ cảm nhận được những luồng gió mát lành, ngắm dòng nước trong xanh có “thảm thủy sinh” điểm hoa vàng mọc thành vạt dài trên mặt nước, xa xa có những chiếc xuồng con thả lưới lững lờ trôi… Tất cả tạo nên bức tranh thôn quê vùng biên với nhịp sống thường nhật chậm rãi, thong dong.
Ngoài ra, đến với búng Bình Thiên, du khách còn được tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS Chăm, thông qua trang phục truyền thống và kiến trúc độc đáo từ ngôi nhà sàn của họ. Xung quanh “hồ nước trời” có các xóm đồng bào DTTS Chăm sinh sống cùng nhau. Đa phần những người Chăm sinh sống tại đây đều theo tín ngưỡng Hồi giáo, họ cùng sinh hoạt dưới Thánh đường Hồi giáo Masjid Al Khairiyah. Do đó, khi đến khu vực búng Bình Thiên dễ dàng bắt gặp hình ảnh đồng bào DTTS Chăm trong trang phục truyền thống đi lễ ở thánh đường - nơi sinh hoạt tín ngưỡng, đời sống tâm linh cộng đồng Chăm.
Theo tháng năm, búng Bình Thiên vẫn cứ yên ả, xanh trong, cung cấp nguồn lợi thủy sản giúp cuộc sống mưu sinh của người dân và tạo điểm nhấn ấn tượng đối với khách phương xa khi đến vùng biên giới An Phú.
MỸ LINH