Yêu cầu trả lại lối đi duy nhất

07/05/2020 - 05:03

 - Hơn 2 tháng qua, gia đình ông Nguyễn Công Danh (sinh năm 1950), bà Trương Thị Bế (sinh năm 1952, ngụ tổ 16, ấp Long Hòa 1, xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang) buộc phải đi vòng trên 300m để ra lộ chính cách nhà chỉ 9m. Nguyên nhân do con hẻm nhỏ (sử dụng trên 26 năm) đã bị bít lại.

Vợ chồng ông Nguyễn Công Danh chỉ hàng rào bít lối đi vào nhà

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, vợ chồng ông Danh cho biết, khoảng năm 1979, gia đình ông sang nhượng 850m2 đất, cất nhà ở cặp kênh Mương Tịnh, sinh sống ổn định. Tiếp giáp bên phải là đất của gia đình, họ hàng ông Lê Văn Ngân. Giữa họ có tranh chấp về ranh đất, suýt ẩu đả nên nhiều năm không qua lại với nhau. Phía bên trái giáp đất gia đình bà Trần Thị Đeo, Võ Thanh Dân (cũng thân tộc của ông Ngân).

Dù không tranh chấp, nhưng nhiều năm hai bên không qua lại, nhà ai nấy ở. Trên phần đất, ngoài căn nhà của vợ chồng ông Danh, còn có gia đình của 2 con trai, cất nhà ở liền kề. Ba gia đình sử dụng chung đường nhỏ đi ra lộ chính, nằm giữa phần đất của bà Đeo và ông Lê Văn Như ở phía trước, ngang khoảng 10m.

Năm 1980, khi nhà nước đào vét kênh Mương Tịnh kết hợp mở rộng đường nông thôn, nhà ông Như bị di dời. Lúc đó, ông Như đề nghị cho lùi ra phía sau vài mét (trên phần đất của ông Danh), bù lại cho ông Danh được mở rộng con hẻm ra lộ chính, cách nhà còn khoảng 9m. Hai bên thỏa thuận miệng với nhau. Gia đình ông Danh sử dụng liên tục đến đầu năm 2020.

“Đầu tháng 2-2020, tôi nghe tin ông Như bán nhà đất. Sau đó, một nhóm người đến cắm trụ đá, rào lưới B40 bít đường đi của chúng tôi. Hỏi ra, họ nói việc rào phần đất là theo ý của chủ đất, theo vị trí được thể hiện trong hồ sơ kỹ thuật khu đất.

Ba gia đình chúng tôi (12 nhân khẩu) chỉ có con đường đi duy nhất ra lộ chính, sử dụng 26 năm nhưng 2 tháng qua đã bị bít lại, gia đình tôi giống như bị giam lỏng. Mấy đứa nhỏ thi thoảng tạm đi ké qua nhà bà Đeo. Còn người lớn chúng tôi muốn đi đâu phải ra phía sau hè, đi vòng  trên 300m trong vườn cây của người khác.

Gia đình tôi đã nhiều lần trình báo đến ban Nhân dân ấp, đến UBND xã Long Kiến nhờ xem xét giải quyết trả lại đường đi cũ. Vừa qua, địa phương mời hai bên đến làm việc nhưng phía chủ đất cương quyết không trả lại lối đi cũ, không đồng ý dù sang nhượng lại phần đất làm đường đi ra lộ” - bà Trương Thị Bế than thở.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Kiến Lê Trung Hiếu cho biết, các hộ nói trên đã nhiều năm sống liền kề với nhau, từng xảy ra tranh chấp ranh đất nên các bên không bằng lòng với nhau. Tuy nhiên, gia đình ông Lê Văn Như và ông Danh hòa thuận nhau. Sau khi ông Như sang nhượng đất, người mua rào phần đất làm mất lối đi nên gia đình ông Danh khiếu nại đến ấp và UBND xã.

Vừa qua, chúng tôi đã 2 lần mời các bên đến hòa giải, tìm cách thỏa thuận với nhau. Bên mua đất nói sang nhượng bao nhiêu thì rào hết bấy nhiêu, không chiếm lối đi của ông Danh, bằng chứng là giấy đất không thể hiện đường đi chung. Lần đầu, bên mua đất đồng ý nhường lối đi nhưng phải đổi giá trị gấp đôi. Gia đình ông Danh không đồng ý.

Đến lần thứ 2, ông Danh có hướng đồng ý thì phía mua đất không đồng ý nhường lối đi. Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục mời gia đình đến thương lượng, hòa giải, tìm giải pháp tốt nhất cho họ. Nếu không đi đến thống nhất, sẽ chuyển vụ việc về trên xem xét giải quyết theo quy định.

Luật sư Trần Văn Sáu (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: “Bộ luật Dân sự hiện hành quy định chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có, hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, thì chủ sở hữu có bất động sản có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi do các bên thỏa thuận, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, bảo đảm thuận tiện, hợp lý, lợi ích của bất động sản bị vây bọc, đồng thời ít gây phiền hà cho các bên và thiệt hại gây ra ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Người hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù, trừ trường hợp do pháp luật quy định, hoặc có thỏa thuận khác. Nếu vụ việc không thỏa thuận được, đương sự có quyền khởi kiện đến tòa án để xem xét giải quyết”.

Bài, ảnh: N.R