YouTube đang mạnh tay trước các nội dung đi ngược với chính sách của hãng ẢNH: AFP
Nhiều cơ quan, tổ chức truyền thông danh tiếng như CBS, ABC, CNN, Fox và cả các kênh địa phương đều đăng tải thông tin liên quan đến Thử thách Momo, một trào lưu mới nổi sử dụng hình ảnh kinh dị để hướng dẫn người xem tự làm hại bản thân. Các video của những tổ chức này không vì mục đích kiếm tiền, một số còn có cửa sổ cảnh báo người xem rằng nội dung rùng rợn.
Nhưng trong xác nhận mới nhất của YouTube trên TheVerge, mạng xã hội này khẳng định bất kỳ nội dung nào có liên quan đến Momo đều vi phạm định hướng nội dung quảng cáo thân thiện của hãng, vì vậy sẽ không thể hiển thị quảng cáo, kể cả video đưa tin. Thực tế, một số video, ví dụ của đài CBS còn chèn màn hình cảnh báo trước khi chạy nội dung chính rằng đây là “nội dung không phù hợp hoặc có thể gây khó chịu”.
Theo TheVerge, Momo bắt nguồn từ một thư mục kinh dị trên mạng xã hội Reddit rồi bỗng trở thành hiện tượng toàn cầu vào năm 2018 sau khi một tờ báo Indonesia đăng tin cô bé 12 tuổi quyết định tự tử vì tham gia vào Thử thách Momo. Trong thử thách này, người xem (đa phần là trẻ em) được khuyến khích gửi tin nhắn đến một số lạ trên WhatsApp, sau đó sẽ nhận được các hướng dẫn để tự làm hại bản thân.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng những lời đồn về Thử thách Momo có phần làm quá lên qua các phương tiện thông tin địa phương rồi gây hoang mang cho phụ huynh toàn cầu.
Giờ đây, YouTube đang trong thế khó. Các nhà quảng cáo trở nên cảnh giác nếu tiếp tục chiến dịch của mình sau khi một cuộc tranh cãi xung quanh các thông điệp “săn mồi” xuất hiện trong bình luận về video có nội dung cho trẻ em. YouTube đã có động thái gay gắt kể từ khi cuộc tranh cãi bắt đầu cách đây ít tuần, bao gồm cả tuyên bố gỡ bỏ mọi bình luận trong những video liên quan tuổi vị thành niên.
Trong thông báo công khai mới đây, hãng khẳng định không ai trong công ty từng thấy bằng chứng về video quảng bá cho Thử thách Momo trên nền tảng của mình, đồng thời nhắc lại rằng “video cổ vũ cho các thử thách có tính nguy hiểm, gây hại đều trái với chính sách của YouTube”.
Công ty mới đây đã gỡ bỏ hàng chục triệu bình luận và xóa hơn 400 kênh bị phát hiện nội dung có tính săn tìm nạn nhân. Một số kênh chèn nội dung không phù hợp vào chương trình cho thiếu nhi cũng bị “trảm”.
Theo Thanh Niên