Gỡ bỏ “nút thắt”…
Năm 2018, ngành công nghiệp cá tra của Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm, mang về cho đất nước 2,26 tỷ USD, tăng trưởng 26,4% so cùng kỳ. Ngành này trong thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 ngàn lao động của cả nước. Đây là ngành hàng có nhiều lợi thế, tiềm năng, dư địa về thị trường rất lớn. Tuy nhiên, trong hơn 20 phát triển với nhịp độ cao, tăng trưởng “nóng”, hiện ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, ngoài vấn đề thị trường, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, nhân lực, vốn phục vụ sản xuất thì ngành hàng cá tra xuất khẩu Việt Nam đang gặp phải “nút thắt” về con giống.
3 năm gần đây, từ nhiều nguyên nhân khác nhau, việc ương nuôi cá tra giống phục vụ cho quá trình nuôi thịt để chế biến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tỷ lệ hao hụt trong giai đoạn nuôi từ cá bột đến cá thịt rất cao, cá biệt có một số trường hợp, ngư dân ương nuôi phải bỏ cả mẽ cá vì hao hụt lên đến 85%. Con giống thiếu hụt làm cho nguyên liệu phục vụ cho chế biến thiếu, từ đó dẫn đến khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc đáp ứng đơn hàng cho các nhà nhập khẩu trên thế giới. Quá trình thiếu hụt con giống cá tra trong 3 năm qua đã đẩy giá cá tra tăng 66% so với trước đó. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt con giống, nhiều tập đoàn trong ngành chế biến cá tra xuất khẩu đã hoạch định chiến lược phát triển của mình bằng việc khép kín quy trình sản xuất, cách làm của Tập đoàn Nam Việt là một điển hình.
Lãnh đạo tập đoàn Nam Việt tiếp đại diện các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu Dự án Nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ cao Nam Việt Bình Phú.
…bằng công nghệ cao
“Công nghệ cao ở đây là chúng tôi sẽ áp dụng 2 phát minh mang tính “bước ngoặc” của Nhật Bản trong xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá, được thế giới công nhận là “Công nghệ sục khí nano” và “Công nghệ thiên thiên Bakture”. Bằng công nghệ mới này, trên toàn bộ diện tích của dự án sẽ không xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh dự án, mang lại hiệu quả kinh tế cao” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới khẳng định.
Bakture là chữ viết tắt của cụm từ back to the nature (trở về với thiên nhiên). Đây là chất xúc tác mạnh và khi ở trong môi trường nước, nó sẽ kích thích các vi sinh vật có ích và thủy sinh khác, gây ức chế và làm giảm mạnh số lượng các vi sinh vật có hại cho cá, gây ô nhiễm môi trường nước. Bakture sẽ phân hủy các chất bẩn tồn tại trong nước. Đây là hệ thống tuần hoàn tự nhiên, làm giảm các chất ô nhiễm hữu cơ, hợp chất chứa nitơ, chất rắn lơ lửng, màu và mùi trong nước… Hiện nay trên thế giới đã có hơn 300 dự án xử lý môi trường ở các quốc gia như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Lào, Indonesia, Thái Lan sử dụng 2 công nghệ này trong xử lý môi trường.
Việc Tập đoàn Nam Việt ứng dụng 2 phát minh quan trọng của người Nhật vào nuôi cá tra trên diện tích 600ha nuôi cá tra với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng tại xã bình Phú, huyện Châu Phú được xem là sự kiện mang tính “bước ngoặc” trong ngành thủy sản Việt Nam, góp phần gỡ bỏ “nút thắc” trong ngành công nghiệp cá tra hiện nay là con giống, khép kín quy trình sản xuất để tăng hiệu quả kinh doanh.
“Thông qua dự án này, tập đoàn sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu, nâng cao sản lượng sản xuất từ con giống đến thành phẩm fillet xuất khẩu, tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm của Tập đoàn tại các thị trường nhập khẩu cá tra trên thế giới. Dự án sẽ góp phần hạ thấp chi phí sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho Tập đoàn rất lớn” - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt Nguyễn Duy Nhứt thông tin.
Lãnh đạo Tập đoàn Nam Việt tiếp các chuyên gia Nhật Bản
Tập đoàn Nam Việt cho biết, thời điểm năm 2015, tập đoàn này đã hoàn thành chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn, nuôi trồng thủy sản đến chế biến. Cụ thể, trên lĩnh vực con giống, Nam Việt sở hữu 20.000 con cá bố mẹ, Tập đoàn có khả năng cung cấp 14 tỷ cá giống mỗi năm. Có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản với công suất 200, 000 Mts/năm, 4 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu (Nam Việt, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Đương)... Chính từ việc khép kín quy trình sản xuất nên năm 2018, Nam Việt trở thành một trong 20 công ty cổ phần có hiệu suất cao trong năm 2017. Tháng 8-2018, cá tra fillet của Nam Việt được xuất vào Trung Quốc, song đối với thị trường này, Nam Việt không chú trọng lắm. Hiện nay, sản phẩm của Nam Việt đã xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia nhập khẩu cá tra trên thế giới, trong đó thị trường chủ lực của mình là Nam Mỹ, Trung Đông và Châu Âu. Đây là 3 thị trường lớn của tập đoàn Nam Việt. Năm 2018, doanh thu của Tập đoàn đạt trên 4.118 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 600 tỷ đồng.
“Những gì chúng tôi hứa với tỉnh An Giang, với Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương là chúng tôi thực hiện ngay và triển khai nó với nhịp độ “thần tốc”. Mục đích của dự án là nhằm tháo bỏ “nút thắt” của ngành công nghiệp cá tra để ngành không gặp phải tình trạng thiếu hụt con giống như trước. Bằng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, Nam Việt sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để sản phẩm mang tính cạnh tranh cao” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới tự tin. |
Bài, ảnh: MINH HIỂN