Biểu dương tập thể, cá nhân làm công tác dân số cơ sở tiêu biểu
BS.CKI Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Ngành DS An Giang đã trải qua 33 năm xây dựng và phát triển (1991 - 2024) đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu công tác DS, tiến tới ổn định quy mô DS, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ những giải pháp, thiết thực phù hợp tình hình thực tế của tỉnh, đã giúp công tác DS, chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ: Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại…
Năm 2024, việc thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn đa số đều đạt và vượt chỉ tiêu. Số trẻ em sinh ra trong năm có 24.472 trẻ; tỷ suất sinh 12,80‰; tỷ lệ tăng DS tự nhiên 0,6%; mức sinh (CBR) năm 2024 tăng 0,3 điểm ‰ so năm 2023; tỷ số giới tính khi sinh 108,66 trẻ em trai/100 trẻ em gái; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 8,79%; tổng tỷ suất sinh (TFR) 1,92 con/phụ nữ. Số người mới và duy trì sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 162.693/159.400 người (đạt 102,07%).
Toàn tỉnh có 15.200 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh (đạt 112,62% kế hoạch năm). Trong đó, có 55 ca từ nguồn Chương trình “Xã hội hóa xét nghiệm NIPT triSure cho mọi thai phụ, nâng cao chất lượng DS; xã hội hóa 14.789 ca. Qua đó, phát hiện 52 ca nguy cơ cao (Hội chứng Down, Hội chứng Edward, Thalassemia). Có 17.685 trẻ sơ sinh được sàng lọc (đạt 72,26% so tổng số trẻ); phát hiện nguy cơ cao 295 ca (thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận). Tổ chức khám sức khỏe trước khi kết hôn 17.094 người, đạt 100,52% kế hoạch năm; khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi (ít nhất 1 lần/năm) được 37.404/35.484 người, đạt 105,41% kế hoạch năm.
Chương trình truyền thông, giáo dục về DS và Phát triển được đẩy mạnh, với nhiều hoạt động truyền thông phong phú.Đồng thời, phối hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông kỹ thuật số trên Internet và mạng xã hội. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức hội tại địa phương truyền thông về DS và Phát triển. Các hoạt động truyền thông thường xuyên về DS tại cơ sở đạt kết quả: Tư vấn vãng gia tại hộ gia đình được 26.794 hộ; truyền thông, tư vấn tại trạm y tế được 1.189 cuộc, có 15.935 người tham dự; truyền thông tại các hoạt động văn hóa - thể thao cộng đồng được 90 cuộc, có 2.102 người tham dự; truyền thông nhóm, thảo luận nhóm, nói chuyện chuyên đề được 385 cuộc, có 6.495 người tham gia.
Thực hiện chương trình "Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ", chi cục đã tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức về cung cấp dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình cho vị thành niên, thanh niên được 18 cuộc, có 731 người tham dự. Thực hiện tốt công tác quản lý hậu cần phương tiện tránh thai và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Củng cố và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ ở các cấp. Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” tại các xã, phường, thị trấn được 466 buổi, có 13.990 người tham gia, cũng như các buổi nói chuyện chuyên đề về lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho đối tượng vị thành niên/thanh niên chuẩn bị kết hôn được 11 cuộc, có 567 người tham gia…
BS.CKI Nguyễn Hồng Nam chia sẻ: Để triển khai hiệu quả các mục tiêu về công tác DS trong tình hình mới, rất cần sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động, sự hưởng ứng tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030 là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng; thích ứng với già hóa DS; phân bố DS hợp lý và nâng cao chất lượng DS.
HẠNH CHÂU