Công phu nghề luyện khuyển

16/02/2018 - 01:23

 - Chó là loài vật thông minh, gần gũi với con người.. Để những người bạn
“4 chân”ngoan hơn, người ta thường tốn công dạy dỗ, thậm chí nhờ đến các trung tâm huấn luyện để chúng trở nên hữu ích. Và câu chuyện “luyện khuyển” cũng lắm công phu!

Đội khuyển quân trong lịch sử Việt Nam

Trong suốt quá trình phò tá Lê Lợi, tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí (một vị tướng tài, khai quốc công thần nhà Hậu Lê) đã lập được nhiều chiến công vang dội, ông còn huấn luyện 1 đội khuyển quân khoảng trên 100 con thiện chiến, giúp nghĩa quân Lam Sơn thắng nhiều trận ngoạn mục.

Nguyễn Xí (1396 - 1465) quê ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Năm lên 9 tuổi, ông được diện kiến Lê Lợi và ở bên cạnh Lê Lợi từ đó. Đến năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi chính thức phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, lúc này Nguyễn Xí mới 21 tuổi nhưng vũ dũng hơn người, được trao quyền tướng quân hầu cận bên Bình Định vương Lê Lợi và được giao chăm sóc một đàn chó săn lớn.Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn có viết: “Vua sai Nguyễn Xí nuôi một đàn chó săn hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn, ông đều dùng chuông làm hiệu. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến, thoái răm rắp. Nhà vua cho là người có tài làm đại tướng nên sai ông nắm quyền cai quản đội quân Thiết Độ thứ nhất”.

Bài huấn luyện tấn công, trấn áp đối tượng

Nhận nhiệm vụ chăm sóc đàn chó săn, Nguyễn Xí đã linh hoạt biến chúng thành một đội quân đặc biệt trong những bước đường chiến chinh của quân Lam Sơn. Tuy đội khuyển không nhiều nhưng mỗi khi xuất hiện luôn khiến kẻ thù hoảng loạn, hoang mang dẫn đến rối loạn đội hình, quân Lam Sơn có thể nhanh chóng tấn công và dễ dàng chiếm ưu thế. Điểm đặc biệt, đội khuyển quân được Nguyễn Xí chỉ huy bằng tiếng nhạc, từ việc ăn, ngủ, tấn công quân địch đều được thực hiện rất nề nếp và tuân thủ theo ý muốn của chủ nhân. Bằng sự mưu trí, có lần Nguyễn Xí cho buộc vào cổ đàn chó những chiếc đạc ngựa, để khi chó chạy phát ra âm thanh như tiếng đoàn kỳ mã. Đêm đến, ông đưa quân bao vây trại quân Minh, chỉ huy đàn chó chạy quanh doanh trại quân giặc, rồi cho đánh trống reo hò ầm ĩ. Quân Minh nghe tiếng đạc ngựa, tiếng trống thúc, quân reo thì tưởng quân Lam Sơn tấn công nhưng không rõ binh lực thế nào nên không dám ra ứng chiến, mà dùng cung nỏ từ bên trong bắn tên ra để phản kháng. Nhờ đó, Nguyễn Xí thu về cho nghĩa quân Lam Sơn hàng vạn mũi tên mà không tốn một binh, một tốt.

Đội “cảnh khuyển” tinh thông

Huấn luyện chó nghiệp vụ là một quá trình hết sức gian nan, vất vả. Để có được những chú “cảnh khuyển” tinh thông nghiệp vụ đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) huấn luyện phải có niềm đam mê, yêu nghề và có sự kiên nhẫn. Thượng úy Lê Văn Phương (Đội quản lý và sử dụng chó nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh) cho biết: Các CBCS được cơ quan cử đi học 6 tháng tại Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ (TP. Hồ Chí Minh). Khi nhập trường, mỗi người đều được giao 1 con chó hơn 1 năm tuổi. Tại đây, các anh được dạy cách huấn luyện cho chó 15 động tác cơ bản, thực hiện các nhiệm vụ đặc thù theo chuyên khoa, như: chó chiến đấu, chó bảo vệ, chó truy lùng dấu vết, chó phát hiện ma túy… Khi tốt nghiệp, CBCS và “cảnh khuyển” của mình phải thực hiện đầy đủ các lệnh và động tác đã học, đạt yêu cầu thì mới được công nhận tốt nghiệp và cấp chứng chỉ “ra trường”.

Tất cả “cảnh khuyển” đưa vào huấn luyện đều được kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ, kiểm tra hệ thần kinh ổn định, rồi mới biên chế theo từng nghiệp vụ riêng biệt. Để chó tập luyện tốt thì giai đoạn “thân hòa” rất quan trọng. Khi chó hiểu được người chủ thì tập các động tác rất dễ dàng và ngược lại. Hàng ngày, sau khi vệ sinh xong, buổi huấn luyện bắt đầu bằng màn khởi động cho chó nghiệp vụ những động tác cơ bản như: chào, nằm, đứng, ngồi, bò, đi. Tiếp đó là bài huấn luyện chạy, vượt chướng ngại vật, đánh hơi đồ vật… Nguy hiểm nhất là bài huấn luyện cắn đối tượng, tấn công địch. Một chiến sĩ mang găng tay đặc biệt đứng từ xa để chó lao vào tấn công, nhìn những chiếc răng chó nhọn hoắt ngoạm chặt vào găng tay trông rất hãi hùng! Sau một hồi ghì chặt, “đối tượng” tháo găng tay rồi nhanh chóng nằm sấp xuống đất để người huấn luyện dẫn chó về. “Sở dĩ mình phải nằm xuống giả chết là để chó tưởng đối tượng chết, không tiếp tục tấn công. Nếu tháo găng tay mà cứ đứng trơ ra thì chó sẽ lao vào cắn tiếp”- một chiến sĩ chia sẻ.

Công tác huấn luyện chó nghiệp vụ thầm lặng, gian nan là thế, mà khâu chăm sóc, nuôi dưỡng chúng cũng hết sức công phu. Ở đội có 8 “cảnh khuyển” được biên chế cho 8 CBCS quản lý. Mỗi anh đều thân thuộc với từng đặc điểm, tính nết của từng “cảnh khuyển”; biết vỗ về, chăm sóc tỉ mỉ từ khâu ăn uống, vệ sinh cho đến giấc ngủ.

Mặc dù là lực lượng thầm lặng, nhưng đội “cảnh khuyển” đã có nhiều đóng góp vào những chiến công của lực lượng Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh) trong công tác phòng, chống tội phạm và cứu hộ, cứu nạn; thực hiện nhiều lượt tuần tra trên địa bàn… góp sức bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, gây rối trật tự công cộng.

HỮU HUYNH - MỸ LINH