Khát vọng độc lập, tự do từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Kỳ 2: Khí thế đấu tranh ở An Giang

30/01/2018 - 08:59

 - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, An Giang tự hào góp một phần công sức vào kết quả chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Mùa nước năm 1967, Tỉnh ủy nhận được chỉ đạo của Khu chuẩn bị mọi mặt để chuyển sang tổng công kích vào ngay hậu phương địch, kết hợp quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Quân dân An Giang tích cực chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch với tinh thần quyết tâm, khẩn trương, bí mật. Các huyện, thị trọng điểm đều được tăng cường lực lượng, như: đồng chí Phạm Công Hưng (Tám Hưng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) được điều động về làm Bí thư Thị ủy Châu Đốc; đồng chí Hai Nguyên (Tham mưu phó Tỉnh đội) được điều về tăng cường cho TX. Long Xuyên, làm Thị đội trưởng; đồng chí Huỳnh Văn Khoe (Út Dũng, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 512) được tăng cường cho Tân Châu - An Phú...

Trong năm, phương án tác chiến của tỉnh cơ bản xây dựng xong. TX. Châu Đốc được chọn làm mục tiêu chính, tập trung Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 và lực lượng vũ trang Châu Phú, Châu Đốc đánh chiếm cơ quan đầu não của địch, kết hợp quần chúng nổi dậy trừ gian, phá tề, làm chủ. Châu Thành - Long Xuyên được chọn làm mục tiêu phụ. Hướng Long Xuyên, du kích mật đánh một số mục tiêu trong nội ô, còn tiểu đoàn hỗn hợp sẽ cắt đứt lộ Long Xuyên - Châu Đốc, tấn công chi khu Châu Thành và đợi dứt điểm Châu Đốc sẽ hội quân đánh vào TX. Long Xuyên. Thị trấn Tri Tôn là diện căn kéo địch. Lực lượng vũ trang tấn công vào thị trấn, cắt đường Lộ Tẻ, cùng lúc phát động Nhân dân các xã Núi Tô bứt rút đồn bót, kéo về quận lỵ. Bộ Chỉ huy chiến dịch tỉnh được thành lập, đồng chí Bùi Văn Mỳ (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng) làm Chỉ huy trưởng.

Giữa tháng 1-1968, công việc chuyển quân về vị trí đứng chân, chuẩn bị cơ sở hậu cần, chọn mục tiêu cụ thể, chuẩn bị nơi ém quân, cứu thương, hậu cần... đã hoàn thành. Ngày 28-1, Tỉnh ủy nhận được điện của Khu 8 cho biết giờ tấn công đồng loạt. Chiều 30 Tết, lễ xuất quân được tổ chức trọng thể tại núi Dài lớn. Ban Chỉ huy chiến dịch cùng cơ ngành tỉnh, lực lượng vũ trang, dân công hành quân về Thới Sơn (Tịnh Biên) trong tiếng pháo đón giao thừa rộn rã. Tối mùng 1 Tết, hơn 2.000 người hành quân thần tốc đến điểm tập kết “chòm gáo cò kêu” cách TX. Châu Đốc khoảng 2km. 2 giờ sáng ngày 31-1 (mùng 2 Tết), quân giải phóng nổ súng tấn công TX. Châu Đốc. Đồng chí Ba Bên bắn quả DKZ 75 thủng lô cốt địch trên đường Thủ Khoa Huân, dập tắt hỏa lực nơi này. Chỉ qua vài giờ chiến đấu, ta gần như làm chủ thị xã. Quân ta tiếp tục củng cố các vị trí chiếm được trong đêm, đánh tan 3 đợt phản kích của địch ở khu vực Ty Cảnh sát. Tuy nhiên, đến chiều tối, lực lượng ta thấm mệt vì không có đơn vị dự trữ, địch triển khai quân khắp 3 mặt. Trong đêm 31-1, lực lượng rút về căn cứ an toàn. Tổng kết mặt trận Châu Đốc và Tri Tôn, quân giải phóng đã phá hủy, đánh chiếm 21 địa điểm, căn cứ địch, loại hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ cả đại đội 810 bảo an Châu Đốc.

Sau đợt 1, theo chỉ đạo, toàn bộ lực lượng vũ trang của tỉnh chuẩn bị các mặt, lấy danh nghĩa sư thúc Huỳnh Văn Trí tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền trong quần chúng tín đồ PGHH. Tỉnh thành lập Tiểu đoàn 3 gọi là: “Bộ đội ông Mười Trí”, quân số khoảng 300 người do đồng chí Lê Văn Lạc (Năm Tômxơn) làm Tiểu đoàn trưởng. Tối 23-3, quân ta từ căn cứ B1 kéo xuống bao vây, tiêu diệt đồn Tân Phú, đánh tiểu đoàn địa phương của Huỳnh Trung Hiếu ở Hưng Nhơn, đánh chi khu Châu Phú kéo qua tiếp viện tại Hiệp Xương, diệt hàng chục tên.

Ngày 5-5, quân dân An Giang mở đợt II cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, với mục tiêu chính là vùng ven Châu Đốc, nhằm kềm chân địch cho 1 đơn vị chủ lực của Miền từ Hồng Ngự qua Long Sơn, Phú Lâm. Nhưng lực lượng chủ lực bị địch chặn lại ở Long Thuận, 3 ngày sau phải rút quân. Bên phía Khánh Hòa, Mỹ Đức, bộ đội tỉnh quần nhau suốt 5 ngày đêm với 3 tiểu đoàn chủ lực ngụy, có hỏa lực hùng hậu yểm trợ. Địch bị thiệt hại nặng nhưng thương vong của ta cũng lớn (gần 70 cán bộ, chiến sĩ), đạn dược sắp hết nên Ban Chỉ huy cho rút quân về căn cứ B2.

Theo ông Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân An Giang đã giáng một đòn bất ngờ vào quân ngụy An Giang, Châu Đốc, với phạm vi của chiến dịch trải rộng trên 1 thị xã, 5 thị trấn, 50 xã, khiến địch phải bị động đối phó. Đây là lần tấn công thứ 3 của quân giải phóng vào Châu Đốc với lực lượng lớn chưa từng có, địch bị động để Châu Đốc trở thành 1 trong 2 nơi bị thiệt hại nặng nhất ở ĐBSCL. Về phía cách mạng An Giang, đợt I đánh vào Châu Đốc giành được thắng lợi lớn, thương vong rất thấp. Nhưng khi tiến hành đợt II, không còn yếu tố bất ngờ, mục tiêu không quan trọng mà thương vong rất lớn. Đó là bài học quý báu của Đảng bộ tỉnh”.

 (Còn tiếp)

GIA KHÁNH

Kỳ cuối: Chiến thắng của trí tuệ Việt Nam