Sự kiện đánh dấu một chỉnh thể hành chính mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tầm vóc chiến lược đặc biệt lớn lao, được thiết kế cho cả hiện tại và tương lai nhằm kiến tạo mô hình không gian phát triển mới lâu dài và bền vững.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong thông điệp gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước nhân sự kiện trọng đại này đã chỉ rõ: Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.
Quyết sách lịch sử hôm nay thể hiện tầm vóc tư duy chiến lược của Đảng, được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo triển khai chắc chắn, thấu đáo, khoa học, biện chứng lịch sử, văn hóa thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế; các vấn đề được nghiên cứu, xem xét rất nhiều chiều, cả về tư duy, tầm nhìn và chiến lược phát triển, cả về tổ chức và lực lượng, cả về giải phóng tư tưởng và tâm lý xã hội. Tổng hòa các yếu tố địa lý tự nhiên, địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, quốc phòng-an ninh được đặt trong tổng thể không gian phát triển của đất nước, kết hợp hài hòa các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, các yếu tố tương hợp và khoa học liên quan để thực hiện việc sắp xếp mang tính chất cách mạng.
Nhìn lại chặng đường sự nghiệp cách mạng 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng thành tựu 40 năm đổi mới, mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, để đến hôm nay, đất nước có được những thành tựu to lớn, vững bước vào kỷ nguyên mới với yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới không chỉ là sự kiện về mặt hành chính, mà là bước chuyển mình chiến lược, là đòi hỏi tất yếu khách quan của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của quốc gia và khu vực, xứng đáng với khát vọng “Việt Nam hùng cường vào năm 2045”. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ cắt bỏ cấp trung gian, mà điều quan trọng hơn là tổ chức lại không gian cho phát triển bền vững, để chính quyền gần dân, sát dân, vì dân, phục vụ nhân dân được tốt hơn, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân. Trung ương cũng phân định rõ thẩm quyền và trao quyền chủ động nhiều hơn cho chính quyền địa phương để mỗi nơi năng động, sáng tạo, phát triển phù hợp thực tiễn.
Không gian phát triển mới này được kiến tạo dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển đồng bộ, bền vững và khoa học, song đây mới là bước đi tiên phong. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp cũng tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; tâm lý, vấn đề khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, tên gọi quen thuộc hình thành từ lâu đời của nhân dân mỗi địa phương. Điều đó đòi hỏi sự công minh, đồng thuận và quyết tâm chính trị rất cao và đặc biệt là sự hy sinh lợi ích cá nhân; nếu thiếu đoàn kết thống nhất thì quá trình thực hiện sẽ rất dễ phát sinh vướng mắc, bất cập.
Hơn lúc nào hết, giờ đây, phải coi lợi ích quốc gia là trên hết; phải đặt tương lai phát triển của Tổ quốc làm mục tiêu tối thượng. Tư duy và nhận thức đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ quan, địa phương, đơn vị phải vượt lên trên những lợi ích cục bộ, tầm nhìn hạn hẹp, những nếp nghĩ, thói quen, tập quán cũ có thể là đúng, là hợp lý trong quá khứ, nhưng nay có thể sẽ không còn đáp ứng được đòi hỏi của thời đại và yêu cầu phát triển.
Mới đây nhất, trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị chính là chìa khóa thành công của lần cải cách này. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn; sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân sẽ tạo nền tảng ổn định triển khai hiệu quả mô hình mới. Chưa bao giờ yêu cầu "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong bộ máy của hệ thống chính trị lại quan trọng như lúc này.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu nhấn mạnh: Việc “sắp xếp lại giang sơn” là cơ hội lịch sử nhưng cũng là thử thách. Thành công không chỉ đến từ văn bản hay nghị quyết, mà phải đến từ sự đồng thuận trong nhân dân, sự quyết liệt trong lãnh đạo và sự tận tâm trong thực thi nhiệm vụ. Cải cách bộ máy hành chính không phải là đích đến, mà là khởi đầu cho một tư duy đổi mới, một tầm nhìn chiến lược. Sự chung tay, đồng lòng, đoàn kết, nhất trí để “mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo” - như mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm - chính là sức mạnh cốt lõi, là điểm tựa, nền tảng tinh thần vững chắc để quyết tâm vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp, vì mục tiêu cuộc sống hạnh phúc và ấm no của nhân dân.