Những ngôi chùa cách mạng

13/08/2019 - 07:21

 - Trong suốt các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều ngôi chùa trở thành nơi đùm bọc, nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng. Trải qua thời gian, những ngôi chùa này trở thành minh chứng cho lịch sử hào hùng của quân và dân An Giang.

Chùa Giồng Thành - di tích lịch sử cách mạng

Những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đi qua nhiều tỉnh Nam Bộ. Tại An Giang, chùa Giồng Thành hay còn gọi là Long Hưng tự, (phường Long Sơn, TX. Tân Châu) là nơi còn để lại nhiều dấu ấn về cụ Phó bảng. Chùa Giồng Thành do hòa thượng Trần Minh Lý đứng ra khởi công xây dựng vào năm 1875. Sở dĩ chùa có tên Giồng Thành vì chùa được xây dựng trên một giồng đất cao và trên nền hào thành của nhà Nguyễn trước đây là Tân Châu Bảo. Năm 1922, tại xã Long Sơn có tổ chức hội Kèo xanh, Kèo vàng của Phan Xích Long để tập hợp những người yêu nước chống thực dân Pháp. Tại chùa Giồng Thành, hòa thượng trụ trì Nguyễn Văn Điền đã tham gia hội Kèo vàng. Dưới danh nghĩa tôn giáo, hòa thượng đã quy tụ được nhiều người yêu nước hoạt động rất sôi nổi, nhất là vào năm 1923. Từ năm 1925-1929, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, trên bước đường hoạt động cứu nước, đã ở đây và truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho nhân dân Long Sơn và các vùng lân cận. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chùa Giồng Thành còn là cơ sở của Tỉnh ủy Châu Đốc, Huyện ủy Tân Châu và là điểm giao liên của Trung ương Cục và Khu 8. Chùa Giồng Thành được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 235/ VHQĐ ngày 12-12-1986.

Chùa Cây Mít - nơi lưu dấu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Không những là công trình văn hóa đặc sắc mà còn là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử vẻ vang trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương trên vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Hòa Thạnh Cổ Tự hay còn gọi là chùa Cây Mít (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) được xây dựng từ giữa thế kỷ XIX trên vùng đất hẻo lánh và ven biên giới Việt Nam - Campuchia. Chùa có trên 20 tượng thờ bằng gỗ do nghệ nhân địa phương chạm khắc rất công phu. Vào những năm 1921-1923, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về đây truyền bá tư tưởng yêu nước. Qua đó, nhân dân Nhơn Hưng và các vùng lân cận đã tiếp thu tư tưởng yêu nước từ cụ Phó bảng và dấy lên phong trào cách mạng mạnh mẽ. Trong 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, chùa là nơi liên lạc bí mật, cơ sở vững chắc che giấu cán bộ, tổ chức hoạt động của cách mạng.Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, bộ phận chỉ huy của quân đội ta đóng tại chùa thực hiện có hiệu quả kế hoạch đánh đuổi bọn Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ của ta. Ngày 4-8-1992, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 983/VHQĐ công nhận Hòa Thạnh Cổ Tự là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Tọa lạc bên dòng rạch Cái Tàu Thượng (xã Hội An, Chợ Mới), Phước Hội Tự còn gọi là chùa Bà Lê gắn liền với những sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của tỉnh nói chung và Chợ Mới nói riêng. Khoảng đầu thế kỷ XX, chùa được cất lên bằng cây lá đơn sơ tại nền đất của Bà Lê. Đến năm 1922, hòa thượng Quảng Đạt đứng ra trùng tu, xây dựng lại ngôi chùa và đặt tên là Phước Hội Tự cho đến nay. Chùa Phước Hội là cơ sở cách mạng suốt 2 thời kỳ chống thực dân, đế quốc của nhân dân An Giang. Từ năm 1920-1965, hòa thượng Quảng Đạt đã có công lớn trong hoạt động cách mạng như: tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược và nuôi chứa nhiều cán bộ cấp tỉnh, huyện. Trong những năm 1945-1946, chùa là cơ sở văn phòng của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến, là nơi tổ chức thanh niên tập luyện quân sự chống Pháp, là cơ sở chế tạo vũ khí thô sơ và in ấn truyền đơn, tài liệu. Ngôi chùa là nơi đào tạo nhiều thế hệ quần chúng yêu nước và cán bộ địa phương đã trưởng thành, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhiều cán bộ xuất thân từ nhà chùa đã đóng góp xương máu và cả tính mạng cho Tổ quốc, điển hình có liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã làm sáng ngời truyền thống vẻ vang cho quê hương xứ sở. Ngày 12-12-1986, Bộ Văn hóa- Thông tin ra Quyết định số 235/VH-QĐ công nhận Phước Hội Tự (chùa Bà Lê ) là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

TRỌNG TÍN