“Ăn cơm nhà, vá đường thiên hạ” - Kỳ cuối: “Khó vạn lần…”

03/07/2021 - 09:28

 - Đúng như câu ca dao “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mọi sự giúp sức, hỗ trợ của người dân mang lại giá trị rất quý giá cho xã hội. Câu chuyện về những người vá đường từ thiện trong tỉnh An Giang là một minh chứng điển hình.

An Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Hệ thống Quốc lộ gồm các tuyến 91, 91C và N1 có tổng chiều dài 153km; 19 tuyến đường tỉnh dài 530km và 4.270km đường giao thông nông thôn. Việc xây dựng, phát triển, kết nối hạ tầng giao thông tỉnh - huyện - xã, kết nối giao thông vùng, miền, hệ thống giao thông quốc gia, khu vực và quốc tế là nhiệm vụ chiến lược trọng điểm nhằm khắc phục yếu kém, lạc hậu để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - phát triển du lịch bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Trong đó xây dựng, phát triển giao thông nông thôn, nhất là các công trình cầu trong điều kiện địa hình sông ngòi, kênh, rạch dày đặc là nhiệm vụ cấp bách để xóa đói, thoát nghèo.

Theo đánh giá của Sở Giao thông – Vận tải An Giang, đa số các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã xây dựng rất lâu, có dấu hiệu xuống cấp. Nguồn vốn ngân sách phân bổ hàng năm chỉ đáp ứng phần nào cho công tác duy tu, bảo dưỡng mặt đường để đảm bảo giao thông trên các tuyến đường do tỉnh quản lý (19 tuyến, với trên 530km). Xuất phát từ thực tiễn, việc xã hội hóa công tác đảm bảo giao thông là thật sự cần thiết, để qua đó huy động mọi nguồn lực tham gia, với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 tổ chức, tập thể và 52 cá nhân thường xuyên tham gia công tác dặm vá đường, xây cầu giao thông nông thôn. Thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải đã phối hợp chính quyền địa phương thực hiện xã hội hóa công tác xây dựng đường giao thông bằng hình thức “Sở cung cấp vật liệu, nhân dân đóng góp thiết bị và ngày công lao động” để cùng xây dựng mặt đường bê- tông xi măng, góp phần đảm bảo hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng cho địa phương phát triển. Từ năm 2018 đến nay đã thực hiện 5.530m đường, với tổng số tiền 15 tỷ đồng” – Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải An Giang Nguyễn Phú Tân cho biết.

Cũng theo ông Tân, nhiều cá nhân, tổ chức điển hình tiêu biểu trong xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn trở thành “điểm sáng“ ấn tượng. Mặc dù xuất thân từ nông dân, chưa qua trường lớp đào tạo, nhưng bằng sự nhiệt huyết, tinh thần cầu thị và cống hiến, họ đã tập hợp lại thành lập các đội thi công tự nguyện, đủ năng lực để xây dựng hàng loạt công trình cầu, đường đảm bảo chất lượng và mỹ quan để phục vụ nhân dân. Tiêu biểu nhất là các đội thi công của chú Tư Sang (tên thật là Võ Văn Sáng), chú Út Ổi (tên thật là Nguyễn Minh Lương), chú Ba Thum (tên thật là Phạm Văn Thum)...

Đặc biệt, năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã gửi thư khen ngợi đến ông Cao Văn Long (78 tuổi, ngụ khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên), người được biết đến với tên gọi thân thương “Ông lão vá đường”. Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể ghi nhận: “Dù tuổi đã cao, nhưng 5-6 năm nay, ông vẫn một mình cùng chiếc xe đạp, lỉnh kỉnh túi xách nhựa đường đi vá từng “ổ gà” trên các tuyến đường lớn, nhỏ ở TP. Long Xuyên, để có những con đường phẳng phiu cho người dân đi lại êm thuận, an toàn... Thay mặt ngành giao thông - vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trân trọng cảm ơn ông Long về việc làm nhân văn và đầy ý nghĩa này. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách dành cho duy tu, sửa chữa, nâng cấp và xây mới các con đường từ Trung ương và địa phương của nước ta còn nhiều hạn chế, việc làm của ông Long đã được cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành giao thông - vận tải trân trọng ghi nhận, biểu dương. Việc làm, nghĩa cử cao đẹp nêu trên của ông Long là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo”.

Nhiều năm qua, để kịp thời biểu dương, động viên tinh thần và nhân rộng mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu, đường nông thôn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang tổ chức khen thưởng cho 85 lượt cá nhân, tập thể tham gia đầu tư xây dựng, dặm vá cầu, đường nông thôn. Cũng từ đây, ngày càng nhiều con đường trong tỉnh được dặm vá, sửa chữa liên tục, góp phần vào việc đảm bảo an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh. Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự vận động tích cực của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, sự đồng thuận chung sức, chung lòng của nhân dân, tất cả đã tạo thành một nguồn lực to lớn trong đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông nói riêng, hạ tầng kỹ thuật nói chung đủ mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dần dần, lời gièm pha “Ăn cơm nhà…” đã không còn, có chăng chỉ ở một bộ phận thiểu số chưa hiểu rõ hoạt động ý nghĩa của các “đội quân vá đường”. Ngoài sự ghi nhận, khuyến khích hoạt động từ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, các đội quân còn được người dân ủng hộ nhiệt liệt, được họ trông cậy ra tay giúp đỡ xóm ấp mình.

Ông Lê Quốc Vệ, Phó Trưởng ban Quản lý dinh Nguyễn Hữu Cảnh (huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Chúng tôi đang mong muốn làm đường Nguyễn Huệ, kéo dài hơn 2km từ Dinh đến cầu Kênh Xán. Hồi xưa, đường trước cửa nhà ai hư thì người đó tự sửa chữa, dẫn đến việc làm sai quy cách, gồ ghề, lấn chiếm lòng đường, nước bị ứ đọng… Bây giờ, được UBND thị trấn đồng ý, chúng tôi quyết định vận động xã hội hóa nâng cấp con đường. Tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng, nhưng trước mắt chỉ mới có trong tay 70 triệu đồng (50 triệu đồng do Dinh đóng góp). Công trình này được giao cho Đội vá đường từ thiện huyện Chợ Mới đảm nhận, vì trước nay bà con đầu trên xóm dưới đều công nhận khả năng chuyên môn của đội. Chi phí đóng góp, vật tư xây dựng đều được đội công khai, minh bạch, nên mọi người càng tin tưởng. Cảm kích trước nghĩa cử của đội, Ban Quản lý Dinh hỗ trợ họ cơm nước, chỗ nghỉ ngơi trong quá trình làm đường”.

Ông Lê Văn Vui, Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Lập, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, chỉ con đường phía trước Văn phòng ấp: “Hồi xưa, đường này dài 40m mà chiều ngang có 2m, mỗi lần mưa xuống là đọng vũng "ổ gà", ai đi qua lại cũng té, tội nghiệp nhất các cháu học sinh. Nhờ công sức của đội vá đường, sự đóng góp của người dân, giờ con đường bề thế cỡ này, dễ đi lắm!”.

Có trực tiếp đi cùng các đội vá đường, mới cảm nhận rõ hơn sự đoàn kết, gắn bó và sẻ chia cùng nhau giữa các thành viên, giữa đội và bà con xung quanh. Hầu như lúc nào cũng vang lên tiếng nói cười rổn rảng, tiếng trêu đùa hóm hỉnh, mặc kệ nắng mưa, mặc kệ vất vả. Họ lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến cả vùng quê, đặt cái tâm của mình vào từng tấc đường thân thuộc, bởi nói như ông Tạ Ngọc Cường (57 tuổi, đội vá đường từ thiện huyện Chợ Mới): “Chúng tôi không nghĩ mình làm đường cho người lạ đi, hay làm rầm rộ để có danh tiếng cho xã hội khen ngợi, mà người đi đường nhiều nhất là con cháu mình, là chính bản thân mình. Vì vậy, phải làm thật tốt, thật chất lượng để sử dụng lâu dài”.

Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải An Giang Nguyễn Phú Tân gửi gắm đến các tập thể, cá nhân dặm vá đường: “Để hoạt động dặm vá được chất lượng, hiệu quả và phù hợp, chúng tôi khuyến cáo bà con nên kết hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, các vấn đề liên quan tiêu chuẩn, định mức và pháp lý (nếu có) trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, rất mong bà con thông tin rộng rãi để huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của các giai tầng xã hội cùng tham gia hoạt động ý nghĩa này”.

Thế nhưng, cuối cuộc trò chuyện cùng với các cá nhân, tập thể vá đường từ thiện, điều mọi người mong muốn nhiều nhất vẫn là: mong thất nghiệp. Họ kỳ vọng các con đường sẽ được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn nữa trong tương lai, để không còn tình trạng xuống cấp ở nơi này nơi khác. Họ kỳ vọng sự chung tay góp sức từ ngành chức năng đến mọi tầng lớp nhân dân bằng những việc đơn giản mà hiệu quả: thi công xây dựng đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, điều khiển phương tiện lưu thông đúng tải trọng cho phép, cùng nhau dặm vá đường sá nơi mình sinh sống ngay khi phát sinh vết nứt, vết trũng… Khi ấy, các “đội vá đường chuyên nghiệp” sẽ dần biến mất, hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” đầy nhân văn.

GIA KHÁNH - Thiết kế: TRUNG HIẾU