Chú Ai (thứ 2, từ trái sang) tham gia hoạt động Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên
Thắc mắc về cái tên “bác tài” bất đắc dĩ mà mọi người vẫn gọi chú Ai, những người chạy thận nương nhờ ở Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên tranh nhau lý giải. “Chú ấy nuôi con trai đang chạy thận 3 lần/tuần ở đây. Tuy vất vả chăm sóc con, nhưng chú luôn sẵn sàng đưa, rước chúng tôi đi chạy thận mỗi khi đến lịch. Cứ thế, 14 bệnh nhân thận ở trung tâm này, chú Ai đưa, rước không sót một ai. Dù khuya sớm thế nào, hễ chúng tôi lên tiếng nhờ, chú Ai rất nhiệt tình. Nhiều lúc ngại làm phiền chú, chúng tôi không dám nhờ nhưng chú Ai sẵn sàng giúp đỡ” - chị Trần Thị Thúy Oanh (sinh năm 1983, quê huyện Chợ Mới) cho biết. Vậy là, từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi ngày chú Ai phải đưa đón đến 7 người đi chạy thận. Tất cả đều là những người từng có thời gian dài nương nhờ hành lang bệnh viện để đợi lịch chạy thận.
Chung căn bệnh ngặt nghèo, chung cảnh khổ cực, những bệnh nhân chạy thận nơi đây rất yêu thương nhau. Họ chia sẻ, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, khó khăn. Có người không người thân chăm sóc, việc đi lại rất khó khăn. Những lúc đó, chú Ai có mặt kịp thời để giúp đỡ họ. Chia sẻ về việc tự nguyện là tài xế đưa rồi đợi rước từng người đi chạy thận, chú Ai cười hiền cho biết: “Mình ở phải thì sẽ gặp phải thôi!”. Nghe mọi người nói đến lịch đưa đón của “bác tài” bất đắc dĩ này, tôi giật mình vì chưa từng nghĩ lại vất vả đến vậy. Hàng ngày từ 3 giờ sáng, chú Ai đã thức dậy, đưa cas chạy thận đầu tiên đến bệnh viện. Giúp họ ổn định chỗ nơi, chú lại túc trực ở bệnh viện chờ đón về. Rồi đến 7 giờ sáng là cas thứ 2, cas chạy thận thứ 3 là tầm 11 giờ trưa, kế đến là 15 giờ chiều. Cặm cụi cả ngày từ trung tâm đến bệnh viện và ngược lại, mãi đến 19 giờ tối mới xong, ít ai ngờ rằng người đàn ông đen nhẻm, dáng dấp thô kệch ấy lại có lòng tốt bụng đến thế.
Chú Ai từng có một gia đình êm ấm với 2 cậu con trai chăm ngoan, học giỏi. Niềm vui không bao lâu, khi con trai lớn của chú thi đậu đại học, Khoa Lý luận chính trị (Trường Đại học An Giang), chưa đầy năm thứ nhất đã phải nghỉ học vì bệnh thận mãn tính hành hạ. Chú và vợ khi đó cũng “đường ai nấy đi”. Một mình nuôi con bệnh tật, đôi lúc tưởng chừng như đã mất con mãi mãi, chú Ai bán cả căn nhà để cứu con. Kinh tế ngày càng khánh kiệt, chú bán luôn 4 công đất ruộng của cha mẹ cho. Suốt 8 năm ròng “đóng đô” ở bệnh viện rồi đến Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên để nuôi con, những đồng bạc tích góp cuối cùng của gia đình cũng cạn dần. “Nhìn con chống chọi với căn bệnh hàng ngày, tôi đau lòng lắm. Để con vui được ngày nào là hạnh phúc với tôi ngày đó. Còn tôi, cực khổ mấy cũng chịu được” - chú Phạm Văn Ai buồn bã nói.
Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Bảo Châu cho biết: “Hoàn cảnh như vậy, nhưng anh Phạm Văn Ai sẵn sàng giúp các bệnh nhân chung căn bệnh như con trai mình. Từ ngày chuyển ra Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên, thấy mọi người đi chạy thận bất tiện, anh Ai tự nguyện đưa, rước mọi người miễn phí. Cảm phục nghĩa cử cao đẹp của anh Ai, hội đã hỗ trợ tiền xăng 400.000 đồng/tháng để tiếp anh lo cho các bệnh nhân nơi đây. Hơn 1 tháng nay, anh Ai còn nhiệt tình tham gia hoạt động của hội nhằm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN