Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Núi Sập Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: “Nhiều lần tiếp xúc, chúng tôi nghe được tâm tư của những học sinh nhà xa, điều kiện khó khăn đang theo học tại Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (thị trấn Núi Sập). Nhiều em than thở, không đủ tiền ở lại ăn trưa. Rồi phải tìm chốn nghỉ lưng cho buổi học tiếp theo nên chúng tôi đã xin chủ trương của Đảng ủy, UBND thị trấn Núi Sập thành lập bếp ăn miễn phí. Chính quyền địa phương ủng hộ, chúng tôi như được tiếp thêm tinh thần và động lực để “hiện thực hóa” bếp ăn đi vào cuộc sống. Trước đó, chúng tôi đã tham quan và học hỏi mô hình này của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn) và một số nơi khác về cách thức thành lập và cơ sở hoạt động. Ban đầu, các thành viên lo sẽ không thu hút nhiều học sinh hoặc không duy trì bếp ăn được lâu dài. Nhưng với quyết tâm cùng khát khao giúp đỡ nhiều học sinh, chúng tôi đã ra mắt bếp ăn tình thương vào ngày 21-11 trong niềm phấn khởi của rất nhiều thầy, cô giáo và học sinh”.
Học sinh có thêm nơi nuôi dưỡng ước mơ
Dù hoạt động chưa đầy 2 tuần nhưng theo ghi nhận của chú Sơn, số lượng học sinh đến bếp ăn ngày càng nhiều, khoảng 80-100 em. Không chỉ học sinh mà các trường hợp khó khăn, cơ nhỡ khác, bếp ăn đều sẵn lòng phục vụ. “Nhà em ở xã Vọng Đông, khi chưa có bếp ăn từ thiện này, mỗi trưa em thường ăn cơm ở tiệm. Mỗi phần ăn từ 15.000- 20.000 đồng, tiền nghỉ trọ khoảng 200.000 đồng, hàng tháng ba, mẹ phải tốn gần 800.000 đồng cho em, chưa kể chi phí học tập. Em rất vui khi có bếp ăn tình thương. Từ đây, em sẽ tiết kiệm được một phần chi phí để mua tập, sách và dụng cụ học tập, giảm bớt gánh nặng cho ba, mẹ”- em Trần Phạm Hoài Hận (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại) phấn khởi cho biết.
Để duy trì lâu dài, ban tổ chức của bếp ăn được thành lập gồm: ban giao tế, thư ký, thủ quỹ, tổ nấu ăn với 20 thành viên. Nhờ thấy được mục đích và ý nghĩa mà bếp ăn mang lại cho học sinh, bà con tiếp công, góp của để hỗ trợ thêm nguồn nhân lực và vật lực. Tham gia đông nhất là tổ nấu ăn, ngoài 2 đầu bếp chính, còn có nhóm rửa bát dĩa, lặt rau, thái thịt… “Chúng tôi tham gia với tinh thần tự nguyện vì muốn đóng góp chút công sức cùng ban trị sự chăm lo bữa ăn ngon cho học sinh. Để kịp chuẩn bị phần ăn khi các cháu tan trường, chúng tôi phải tranh thủ dậy từ sáng sớm để đi chợ, chế biến. Công việc tuy cực nhưng mỗi khi nghe các cháu nhận phần ăn và cảm ơn hay khen đồ ăn ngon là bao mệt nhọc của chúng tôi cũng không còn”- cô Võ Kim Quyên (62 tuổi, ngụ ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập) bày tỏ.
Bếp ăn tình thương hoạt động trên diện tích 60m2 do UBND thị trấn “cho mượn”. Trước khi ra mắt, mọi người bắt đầu công tác chuẩn bị đến 10 tháng. Qua chia sẻ của các thành viên, để bếp ăn khang trang, che mưa che nắng vững chãi như hôm nay, mọi người thực hiện với phương châm “Vận động đến đâu, xây đến đó”. Tổng kinh phí lập nên bếp ăn tình thương này hơn 23 triệu đồng từ nguồn nhà hảo tâm hỗ trợ, chưa kể ngày công xây dựng của đồng đạo. Đây mới chỉ là bước đầu trong việc đồng hành cùng học sinh đến trường của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Núi Sập. Thời gian tới, để giúp đỡ nhiều hơn cho học sinh, mọi người sẽ tiếp tục vận động để xây thêm chỗ nghỉ trưa mát mẻ. “Khi nghe ý tưởng xây dựng bếp ăn tình thương, UBMTTQ thị trấn rất đồng tình ủng hộ. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, tham mưu với Đảng ủy và UBND thị trấn để bếp ăn sớm đi vào hoạt động. Có thể góp chút công sức cùng địa phương xây dựng xã hội học tập, nuôi dưỡng “tương lai”, chúng tôi sẽ cố hết sức để bếp ăn hoạt động tốt hơn nữa!”- Chủ tịch UBMTTQ thị trấn Núi Sập Trần Trung Bình cho hay.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN