
Bị cáo Lập, Khải và Thật bị kết án tù vì buôn lậu dầu DO
Tiếp tay buôn lậu
Nguyễn Văn Khải, ngụ xã An Minh, Phạm Thành Lập và Đinh Văn Thật, ngụ xã An Biên là bạn bè thân thiết nhiều năm. Họ làm thuê để kiếm sống, tuy không dư dả, nhưng cuộc sống vẫn ổn định. Nhưng Khải nảy sinh ý định kiếm lời từ việc buôn dầu DO lậu. Khải rủ rê Lập và Thật cùng tham gia vận chuyển dầu lậu từ vùng biển Campuchia về bán lại cho các tàu cá. Khải hứa trả cho Lập 100 đồng/lít dầu nếu trót lọt, đồng thời thuê Thật làm thuyền trưởng điều khiển tàu đi nhận dầu.
Trong hơn một tháng, Thật đã 3 lần điều khiển tàu đến vùng biển Campuchia, nhận tổng cộng 118.000 lít dầu DO (trị giá hơn 2,3 tỷ đồng) và đưa về Việt Nam tiêu thụ. Lần vận chuyển thứ ba, khi đang chuẩn bị tiêu thụ hơn 46.000 lít dầu tại xã Đông Hòa, Thật bị lực lượng công an bắt quả tang cùng tang vật.
Tại phiên tòa, Thật tỏ ra ăn năn: “Tôi chỉ nghĩ chở thuê kiếm thêm tiền, đâu ngờ đó là hành vi vi phạm pháp luật. Giờ mới thấm, một lần sai là trả giá bằng cả tương lai”. Kết thúc phiên tòa, Nguyễn Văn Khải bị tuyên phạt 8 năm tù giam, Phạm Thành Lập và Đinh Văn Thật mỗi người lãnh 7 năm tù về tội buôn lậu.
Theo luật sư Thái Đức Gia (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang), dầu DO là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đặc biệt khi xuất nhập khẩu cần giấy tờ hợp lệ. Việc buôn bán, vận chuyển dầu lậu không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, đe dọa đến môi trường và tính mạng người dân. Vì thiếu kiến thức pháp luật và ham lợi nhuận trước mắt, một số người đã bị dụ dỗ hoặc lôi kéo tham gia buôn lậu dầu DO. Hành vi này đã cấu thành tội hình sự.
Nhặt đạn bán ve chai, lãnh án tù
Năm 2021, ông Nguyễn Thanh Khen (46 tuổi), ngụ đặc khu Phú Quốc đến bãi rác tại sân bay Phú Quốc cũ thu gom phế liệu, tình cờ nhặt được 19 viên đạn rồi đem về nhà cất giữ để bán phế liệu. Đến năm 2022, ông tiếp tục nhặt được 151 viên đạn tại bãi rác này. Suốt nhiều ngày sau, ông Khen vẫn sinh hoạt bình thường, không lường trước hiểm họa từ vật nguy hiểm mà mình đang cất giữ. Sự việc chỉ bị phát hiện khi cơ quan chức năng kiểm tra hành chính khu nhà trọ nơi ông đang sống, phát hiện 170 viên đạn giấu trong nhà. Theo kết luận giám định, tổng cộng 170 viên đạn này là vũ khí quân dụng.
Tại phiên tòa, ông Khen nghẹn ngào nói: “Tôi không biết đó là đạn thật và không có ý định sử dụng vào mục đích xấu. Tôi thấy nó nằm trong đống sắt vụn tường đồ bị bỏ, nên nhặt về để bán phế liệu. Không ngờ, vướng vòng lao lý”. Hội đồng xét xử ghi nhận hoàn cảnh khó khăn, sự thiếu hiểu biết pháp luật và việc bị cáo không sử dụng số đạn vào mục đích nguy hiểm, tuyên phạt Khen 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, tòa cũng nhấn mạnh rằng vũ khí quân dụng là vật đặc biệt nguy hiểm, không ai được phép sở hữu trái phép. Tuy không sử dụng nhưng việc tàng trữ vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn cho cộng đồng.
Dù mức án không quá nặng, nhưng đây là bài học đắt giá cho bất kỳ ai xem nhẹ quy định pháp luật, đặc biệt liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ hay công cụ hỗ trợ.
Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN