“Cuộc chiến” 336 giờ - Kỳ 3: Tiếng cười trở lại

25/03/2020 - 07:10

 - Mới vào khu cách ly, lạ chỗ lạ người, cùng với tâm lý “mình có bị nhiễm bệnh không”, hầu hết người được cách ly đều e dè, lo lắng, mọi sinh hoạt cũng rất giữ kẽ. Một, hai hôm đầu tiên, chúng tôi nghe không ít lời than phiền, khó chịu, có khi họ không hợp tác với cán bộ, chiến sĩ. Nhưng càng về sau, tiếng cười đã trở lại, rộn rã và tươi vui. Khu cách ly y hệt như một đại gia đình ấm cúng.

Tuần đầu tiên, tôi cùng các anh cán bộ, chiến sĩ Tổ cách ly chứng kiến nhiều câu chuyện chẳng vui vẻ gì. Chị Ngọc D. (sinh năm 1988) xa quê Hậu Giang 16 năm, quần quật mua bán ở xứ người, thi thoảng mới có dịp về Việt Nam thăm gia đình. Lần này, chị về để lo đám cưới đứa em. May mắn là chị được về trên chuyến bay cuối cùng trong đợt cao điểm bùng phát dịch tại Hàn Quốc. Nhưng không may là chị phải tham gia cách ly tập trung, rồi mới được về nhà dự đám cưới. Mấy hôm đầu vào đây, chị bứt rứt, lo lắng không yên, vì mọi khâu chuẩn bị cho đám cưới đã xong, chỉ còn thiếu chị. Ở xóm, mọi người xầm xì chuyện chị “đi cách ly”, chắc là bị nhiễm bệnh. Chị buồn hiu: “Hồi trước, mỗi lần tôi về, mọi người hay nhắn “nhớ mua quà bánh”, vui vẻ biết bao nhiêu. Mấy bữa nay, tôi gọi hỏi thăm, định ghé nhà chơi, họ đều từ chối, lấy cớ “bận công việc”. Nhiều khi đang nằm, tôi bật khóc, nghĩ nhân tình thế thái sao chán quá”.

Cắt tóc miễn phí trong khu cách ly

Ông Huỳnh Bá P. (sinh năm 1969, quê ở Cà Mau) vừa lo lắng bản thân nhiễm bệnh khi về từ Hàn Quốc, vừa mang tâm lý hoang mang bước vào khu cách ly. Không gian sống, cách sống khác biệt so với thông thường, đôi lúc làm ông nóng nảy, khó chịu. Một cô gái phòng cách ly số 34 (quê ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) vốn vui vẻ, hòa đồng ngay từ ngày đầu vào cách ly. Một hôm, người nhà báo tin, cha chị (hơn 70 tuổi) mắc bệnh tai biến lần 2, đang được đưa vào bệnh viện cấp cứu, sợ không qua nổi. Chị bủn rủn chân tay, nước mắt ướt nhòe gương mặt, xin được về nhà gặp mặt cha. Trung úy Huỳnh Phương Em (Bác sĩ Quân y) dành nhiều thời gian động viên, khuyên nhủ chị: “Em đang trong giai đoạn cách ly thì phải cố gắng cách ly đủ 14 ngày cho an toàn. Nếu cương quyết về nhà trong thời gian này, em cũng không được về đến nhà gặp cha đâu, địa phương sẽ tiếp tục đưa đi cách ly ở một nơi khác theo đúng quy định”.

Những cảm xúc tiêu cực ấy đã nhanh chóng được giải tỏa, thông qua sự động viên của cán bộ, chiến sĩ trong Tổ cách ly, những phút giây trò chuyện thân tình với “hàng xóm” phòng bên cạnh, cùng với thông tin trên báo chí, mạng xã hội giải thích rõ ý nghĩa của “cách ly tập trung”. Hôm sau, khi chúng tôi quay trở lại, cô gái ở phòng 34 đã ổn định tinh thần nhiều hơn, vì người nhà thông báo ông cụ khỏe rồi, vượt qua giai đoạn nguy hiểm. “Nghe lời khuyên của cán bộ, tôi sẽ yên tâm cách ly cho xong. Nếu về nhà, lỡ có sự cố gì, tôi lây bệnh cho mọi người thì khổ” – chị mỉm cười, gương mặt tươi tắn hơn trước. Chị D. không còn quan tâm đến những lời ác ý của người ngoài, bởi gia đình chị vẫn trông ngóng từng ngày chị về, hiểu và an ủi chị thường xuyên.

Anh Osipov Denis (người Nga) hài lòng với bữa ăn Việt

Ông P. cũng vậy, chào đón chúng tôi bằng nụ cười dễ chịu. Vượt qua những gút mắc ban đầu khi chưa hiểu quy trình tiếp nhận người được cách ly, giờ đây, đã quen thuộc mọi thứ, ông cảm thấy thoải mái hơn. Nghĩ thông suốt, ông chia sẻ: “Mình đi cách ly như thế này cũng là tốt cho cộng đồng, xóm giềng. Bạn bè, người nhà thường xuyên gọi điện thoại, động viên tôi “ráng ở lại cách ly, đừng có trốn về nghe!”. Tôi đùa lại: “Ở đây có bộ đội quan tâm, chăm sóc tốt lắm, tôi không trốn đâu. Có khi, tôi xin ở lại thêm cho an toàn!” Sáng, tôi chạy vòng vòng tập thể dục, chiều ra sân đá banh với tụi nhỏ. Quay qua quay lại cũng sắp hết thời gian cách ly rồi! Ở đây ai cũng tếu táo, mấy chú bộ đội dành tình cảm đặc biệt cho mọi người nên cho ăn ngon quá, nhiều quá, xong 14 ngày, ai cũng lên ký hết!”.

Khi mọi người ổn định về mặt tâm lý rồi, những tưởng không còn chuyện gì xảy ra, thì bất ngờ, chúng tôi lại có giây phút thót tim. Nguyễn Lê Hoài B. (sinh năm 1999, quê ở Lâm Đồng) từ Seoul về khu cách ly. Ngày 14-3 (ngày cách ly thứ 10), bạn bỗng dưng khó thở, đau mỏi cả người. Trong khi trước đó, tất cả 233 người đều khỏe mạnh, chưa ai xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh. Họ đều mong bình an tiến đến ngày kết thúc cách ly. Đùng một cái, B. lại không khỏe. Các bác sĩ Quân y tại đây nhanh chóng đến kiểm tra sức khỏe cho B. Kết quả, bạn hoàn toàn bình thường, không có bất kỳ triệu chứng đáng lo nào. Còn các cảm giác khó thở, đau mỏi được xác định do ngày hôm trước bạn uống nước đá lạnh quá nhiều để giải khát, chơi thể thao quá sức, cộng với tâm lý lo lắng càng làm cơ thể thêm mệt mỏi. Kết quả ấy khiến ai nấy thở phào. B. áy náy, cười bẽn lẽn, thay quần áo ra sân chơi thể thao tiếp tục.

Thăm khám cho bạn B. khi bạn bị khó thở, đau mỏi cơ

Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi tận hưởng cảm giác bình yên, thư thái như… đi nghỉ dưỡng. Mọi chuyện nhà, mọi lo toan thường nhật đành gác lại (nếu không thì cũng chẳng làm gì được). Điều cần làm nhất là giữ tâm trí bình tĩnh, giữ sức khỏe thật tốt. Buổi sáng, mấy bạn trẻ thích ngủ nướng, còn nhóm trung niên, cao niên đã thức từ lâu. Vệ sinh cá nhân xong, vợ chồng bà S. thức dậy, nhìn thấy sân toàn lá cây, lẫn rác thải. Ở nhà, một cọng tóc bà cũng không để yên, chứ nói gì bề bộn kiểu này. Chịu không nổi, bà quơ cây chổi, gom lá một góc, còn ông thì cầm cây kẹp gắp từng mảnh rác. Họ có cảm giác mình tự do tự tại như ở nhà, được luôn tay luôn chân, không phải ăn rồi nằm trông ngày trông giờ qua mau. “Chúng tôi vất vả chút xíu thôi, xem như góp một tay cùng các em bộ đội giữ vệ sinh khu cách ly. Nếu cấp trên có đi ngang, thấy mọi thứ sạch sẽ, các em được ngợi khen, tôi sẽ vui lây” – bà chia sẻ.

Bên sân thể thao có một góc sân xây cao, bao quanh cây bồ đề to. Một số phụ nữ trung niên nhìn thấy tượng Phật bà Quan Thế Âm trên đỉnh núi Ba Thê, nên thành tâm khấn bái cho mọi người mạnh khỏe, sớm vượt qua đại dịch. Trưa nắng, một thợ hớt tóc ở TP. Cần Thơ lôi bộ đồ nghề ra “làm việc”. Ông tỉ mẩn cắt tóc miễn phí cho mọi người. Ai cũng khoái, kéo nhau xúm lại “tân trang nhan sắc”, rộn rã một góc nhà. Chiều chiều, cánh đàn ông thanh niên rủ nhau ơi ới thể thao. Sân tennis được chia năm xẻ bảy, mạnh ai nấy tụ họp theo sở thích: nhóm đá cầu, nhóm bóng chuyền. Bên sân bóng đá, không có áo đội nhóm, họ giải quyết bằng cách phân biệt “đội mặc áo” và “đội không mặc áo”. Không có giày, cứ chân không, cũng sút vào khung thành như thường. Những người còn lại, hoặc là học bài, làm việc trên máy tính, gọi điện thoại, hoặc chỉ nằm chơi lướt mạng internet. Thời gian trôi qua chậm rãi, nhẹ nhàng.

Nhịp sinh hoạt ngày thường trong khu cách ly

Một số nhân vật trong bài viết của tôi sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, nhưng họ đề nghị đừng đưa tên tuổi, hình ảnh lên báo. Phần vì họ muốn tránh bình luận ác ý từ những người không hiểu rõ câu chuyện. Phần vì họ nghĩ, tình cảm, việc làm của họ - đối với cán bộ chiến sĩ, với những người trong khu cách ly – rất nhỏ bé, quá đỗi bình thường, đâu có to tát đến mức “được lên báo”. Tôi lại nghĩ khác. Đôi khi những chi tiết, lời nói, hình ảnh đời thường như thế, lại có sức lan tỏa, ấn tượng mạnh hơn bao giờ hết. Và tôi như một người ghi nhật ký, tái hiện lại câu chuyện của họ, vẽ lại nụ cười của họ bằng cách riêng của mình.

GIA KHÁNH (còn tiếp)