“Đặc sản” công viên của phố thị

09/11/2018 - 06:51

 - “Đặc sản” của thành thị là chuỗi ngày làm việc hối hả, trở về trên những con đường đầy người và xe, sống trong các khu nhà san sát, kín mít đến mức muốn ngắm trăng cũng phải “né” dây điện chằng chịt phía trên. Lúc đó, chợt thèm không gian xanh mát, thoáng đãng của đồng ruộng, vùng thôn quê, hoặc một nơi nào đó đủ rộng, đủ thoải mái để níu chân người. Rồi người ta nghĩ đến công viên...

Sáng sớm tinh mơ, công viên ngái ngủ đón tiếp vài cụ già, người trung niên. Không ngủ thẳng giấc đến sáng như người trẻ, họ thay quần áo, tìm chỗ tập thể dục, vận động cơ thể để bắt đầu một ngày mới. Có người thích chạy bộ, đi bộ, có người thích tập dưỡng sinh. Cũng có người chỉ cần huơ tay múa chân vài cái cho giãn xương cốt, rồi tìm quán cóc ngồi nhấm nháp ly cà phê, đọc báo, tán gẫu với bạn già, tận hưởng không khí trong lành của công viên. Trời sáng bửng, đường đông dần thì họ trở về nhà, hẹn nhau ngày mai lại đến.

Ông Nguyễn Văn Tư (66 tuổi) chia sẻ: “Về hưu rồi, tôi không có dịp gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp như trước. Con cháu thì bận rộn đi học, đi làm. Cả ngày đi tới đi lui trong nhà, coi tivi hoài cũng chán. Buổi sáng, tôi thức sớm thì cả nhà chưa ai thức. Chiều tối, tụi nó về thì loay hoay tới giờ tôi ngủ sớm. Nghe mấy ông bạn rủ ra công viên gần nhà tập thể dục, tôi ừ liền. Đi bộ vài vòng công viên cho cơ thể khỏe mạnh một chút, phần lớn thời gian tôi dùng để trò chuyện với bạn bè. Nhờ vậy mà tinh thần tôi thoải mái hơn trước!”.

“Đặc sản” công viên của phố thị

Hệ thống thiết bị trò chơi được lắp đặt ở công viên Nguyễn Huệ

Mặt trời lên cao dần, cây xanh trong các công viên không thể át đi oi nồng của ánh nắng, nên ít ai ghé đến. Mãi đến chiều, công viên mới ngập tràn sức sống trở lại. Người lớn mang trẻ con ra công viên hóng mát, tranh thủ “dụ dỗ” chúng ăn cơm. Đứa nào cũng háo hức leo trèo, ngó cái này, chụp cái kia, chạy theo giữ mệt xỉu. Muỗng thức ăn cuối cùng được đút xong, người lớn thở phào, chờ chúng vui chơi thêm một lúc rồi kéo về nhà. Cứ thế thành thói quen, chiều nào không đem chúng ra công viên thì chúng lại nhắc, làm mình làm mẩy với bữa ăn. Cũng phải thôi, chúng nhớ không gian rộng rãi, mát mẻ của công viên, thích nhìn người qua lại hơn là quẩn quanh trong nhà.

Chiều chiều, công viên nhộn nhịp hẳn. Sau cả ngày dài, đây là lúc người đi làm rảnh rỗi tập thể dục, đón nhận làn gió nhẹ của bờ sông, gạt đi nỗi lo toan, mệt nhọc của cuộc sống. Học sinh thì xem công viên là nơi tụ họp, vui chơi ít tốn kém nhất sau giờ tan học. Cả nhóm rủ nhau chơi các trò vận động của giới trẻ, hoặc chỉ đơn giản là ngồi “tám” chuyện cùng nhau, bên ly nước giải khát.

Đến tối, một số công viên lớn trở thành nơi hẹn hò, ăn uống của các cặp tình nhân, bạn bè thân thiết. Đã muốn trò chuyện, gặp gỡ nhau rồi thì công viên trở thành điểm hẹn lý tưởng. Bớt đi một chút khách sáo, hào nhoáng bên ngoài, lại thêm một phần gần gũi, tự tại giữa người và người với nhau.

“Đặc sản” công viên của phố thị

Công viên là nơi lý tưởng để tập thể dục

Công viên không chỉ là nơi vui chơi, giải trí, hóng mát, mà còn là nơi mưu sinh của rất nhiều người, như: cánh chạy xe Honda đầu và bán hàng rong. Họ gắn bó cuộc đời mình với chiếc xe đẩy bán nước giải khát, thức ăn nhanh, tin tưởng rằng công viên là một nơi “đầy tiềm năng”, giúp họ kinh doanh tốt. Chiều chiều, vợ, chồng anh Quẩy (30 tuổi) bắt đầu công việc mưu sinh ở công viên Nguyễn Huệ (TP. Long Xuyên). Quầy khô nướng, hột vịt lộn, nước mía… mang lại cho họ thu nhập ổn định hàng đêm, đủ để nuôi sống hai con.

“Hồi đó, tôi đi làm thuê cho người khác, cũng bán thức ăn ở công viên. Mấy năm nay, hai vợ chồng gom tiền tự làm ăn riêng. Bán mấy loại thức ăn này chủ yếu nhờ ban đêm, nên 1-2 giờ sáng vợ, chồng tôi mới về nhà. Ngủ đến trưa cho bù lại sức, rồi bắt đầu chuẩn bị các nguyên liệu để chiều tối bán”- họ tâm sự. Thời gian họ gắn bó với công viên nhiều hơn ở nhà. Nhịp sinh hoạt lấy đêm làm ngày ấy không làm họ nản lòng. Dù sao, mua, bán thế này vẫn tốt hơn là đi tha phương cầu thực…

Để công viên đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa lành mạnh của người dân, vừa qua UBND TP. Long Xuyên bố trí hàng loạt thiết bị trò chơi trẻ em tại nơi công cộng và các công viên trên địa bàn. “Quan điểm của địa phương là từng bước xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống thiết bị trò chơi trẻ em tại các khu vực này; huy động mọi nguồn lực để cùng nhà nước phục vụ tốt nhu cầu vui chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, nâng cao tầm vóc, thể trạng trẻ em; góp phần làm lành mạnh hóa môi trường sinh hoạt nơi công cộng, công viên, tương xứng với phát triển kinh tế của thành phố trung tâm”- Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Phú thông tin.

Không chỉ vậy, địa phương còn được lắp đặt wifi miễn phí, cải tạo công viên thành phố đi bộ đường Hai Bà Trưng (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên). Tuyến phố có chiều dài 315m (5.558m2), kéo dài từ nút giao đường Phan Đình Phùng đến nút giao đường Nguyễn Trãi, được thiết kế theo phong cách hiện đại, tiện lợi và kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn mới cho thành phố.

Ngày qua ngày, công viên lặng lẽ gắn bó với đời sống của người dân đô thị, quen thuộc đến mức ăn sâu vào tâm trí của họ, kết nối con người lại cùng nhau giữa bộn bề vất vả. Khó mà tưởng tượng được rằng một ngày nào đó, công viên biến mất, nhịp sinh hoạt của mọi người sẽ ra sao?

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

 

Liên kết hữu ích