“Điểm tựa” về tình đoàn kết dân tộc

19/09/2024 - 07:51

 - Bão số 3 (siêu bão Yagi) với cường độ rất mạnh những ngày qua đã tràn vào các tỉnh miền Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, người dân cả nước bằng tất cả tấm lòng đã hướng về vùng lũ, chia sẻ đóng góp tinh thần và vật chất với những sáng kiến và hành động cao đẹp.

Hàng hóa, nhu yếu phẩm được tiếp nhận tại Tỉnh đoàn An Giang

Tại Chương trình “Điểm tựa Việt Nam” (tối 15/9), do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ về 6 điểm tựa vững chắc, là niềm tin, là động lực giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao chông gai, thử thách. Theo đó, điểm tựa thứ nhất là điểm tựa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế. Điểm tựa thứ hai là chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo gần 95 năm qua. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Điểm tựa thứ ba là truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, “thương người như thể thương thân”...

Điểm tựa thứ tư là Nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Điểm tựa thứ năm là quân đội, công an; “Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”; “Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Cuối cùng, điểm tựa thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta.

Quả thật, suốt những ngày đồng bào miền Bắc gánh chịu hậu quả nặng nề của bão số 3 gây ra, người dân cả nước cũng “đứng ngồi không yên”. Trong khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có của góp của, người không của thì đóng góp công sức, chung sức đồng lòng hướng về bà con miền Bắc với tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Tại An Giang, nhiều hành động cụ thể, thiết thực đã được phát động nhằm hướng đến đồng bào miền Bắc đang trong giai đoạn khó khăn nhất. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy An Giang, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hãy phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái” “lá lành đùm lá rách”, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, thể hiện trách nhiệm, tình thương yêu, đùm bọc giúp đỡ đối với đồng bào vùng bị bão lũ tàn phá.

Hưởng ứng lời kêu gọi, tuổi trẻ An Giang với tinh thần xung kích, tình nguyện cũng không thể ngồi yên. Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh An Giang Đỗ Minh Sang cho biết: “Hướng về đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã kêu gọi vận động các vật dụng hỗ trợ cần thiết, như: Thuốc, vật tư y tế, túi thuốc gia đình (hạ sốt, giảm đau, tiêu hóa...), mùng, mền, quần áo, mì, gạo, cháo gói, các loại thức ăn đóng hộp, các loại sữa hộp, sữa bịch, sữa đặc, nước suối, nước khoáng, nước tinh khiết, tập học sinh, cặp học sinh, viết… chuyển đến người dân vùng lũ, lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm xung yếu và các học sinh trở lại trường sau lũ. Chỉ trong ngày đầu phát động (12/9), chúng tôi đã tiếp nhận hơn 4 tấn nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết. Phong trào không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ An Giang mà còn là lời kêu gọi hành động đầy ý nghĩa để chung tay giúp đỡ đồng bào miền Bắc trong thời điểm khó khăn do thiên tai gây ra”.

Từ khi phát động, Tỉnh đoàn tiếp nhận rất nhiều tấm lòng của các tổ chức, đơn vị, cá nhân hướng về đồng bào miền Bắc. Hàng trăm thùng sữa, mì gói, nước suối, cháo dinh dưỡng, quần áo... được người cho gói cẩn thận mang đến nơi tiếp nhận, mà không cần bất cứ sự tri ân nào. Bởi hơn ai hết, mọi người hiểu ngay lúc này cả nước Việt Nam đang “nối vòng tay lớn”, cùng tiếp thêm sức mạnh cho miền Bắc “ruột thịt”.

Cô Nguyễn Thị Hoa (59 tuổi, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) tháo vát cùng mọi người chất từng thùng mì trước sân Tỉnh đoàn. “Khi xem tin tức hình ảnh sạt lở, ngập lụt, hình ảnh người dân phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, tôi không thể nào ngăn được nước mắt, chỉ mong có thể đóng góp được chút gì nhằm san sẻ với những mất mát, đau thương, mà người dân miền Bắc đang gánh chịu. Khi biết Tỉnh đoàn tiếp nhận nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con miền Bắc, tôi đã vận động người thân, bạn bè đóng góp tích cực, đã ủng hộ hơn 100 thùng mì, 2.000 phần thuốc và nhiều vật dụng cần thiết. Dù biết đó chỉ là số ít, nhưng có thể làm gì được giúp đồng bào miền Bắc lúc này, chúng tôi cố gắng hết sức”.

Những ngày qua, đoàn viên, thanh niên tập trung rất đông tại Tỉnh đoàn từ sáng đến tận tối để tiếp nhận và phân chia hàng chục tấn nhu yếu phẩm. Nguyễn Phạm Gia Thế Ngọc (sinh viên Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn trường ủng hộ đồng bào miền Bắc, em đã tham gia vào công tác tiếp sức, phân loại và sắp xếp các nhu yếu phẩm của người dân An Giang ủng hộ đồng bào miền Bắc tại Tỉnh đoàn. Em cũng tích cực tuyên truyền để bạn bè cùng tham gia, chung tay giúp đỡ đồng bào. Việc làm này không chỉ giúp đỡ những người gặp khó khăn, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng, giúp em nhận ra giá trị của sự đồng cảm và trách nhiệm xã hội”.

Khi bão Yagi qua đi, các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục hứng chịu mưa lớn, sạt lở, lũ dâng cao, để lại hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản. Với tình cảm và tấm lòng thơm thảo của mình, những ngày này, người dân An Giang đã và đang hướng về miền Bắc yêu thương ruột thịt bằng những hành động, việc làm ý nghĩa, thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào.

PHƯƠNG LAN