Dốc Bà Đắc - Tử lộ của quân thù năm xưa - địa danh đi vào lịch sử! Trong bài thơ “Anh bộ đội An Giang” của nhà thơ Nghiêm Thành Kính viết năm 1966 có câu “Dốc Bà Đắc kèn reo chiến thắng”, ca ngợi chiến công của người chiến sĩ giải phóng quân An Giang trên mảnh đất này.
Từ mùa xuân năm 2004 - năm thứ 29 đất nước hòa bình, thống nhất, có ai đi qua Dốc Bà Đắc, hãy dừng chân chiêm ngưỡng “Tượng đài Chiến thắng Dốc Bà Đắc” với hình tượng anh lính thổi kèn, dáng đứng dũng mãnh, uy nghi lồng lộng giữa gió ngàn đất trời Bảy Núi, ta như nghe tiếng kèn xung trận của các anh còn vang vọng thúc giục lòng ta, tay nắm chặt tay quyết tiến lên theo con đường Bác Hồ đã chọn, vì ngày mai ấm no, hạnh phúc!
Nhớ lại, khi tôi công tác huyện Tịnh Biên phụ trách quân báo, có dịp tham gia trận đánh giao thông đầu tiên của bộ đội địa phương tỉnh tại Dốc Bà Đắc ngày 15-4-1962. Đó là một trong những trận đánh thắng giòn giã của quân ta trên đoạn đường lịch sử này. Nhiệm vụ của tôi là phục vụ địch tình và quản lý, giáo dục, khai thác tù binh tại mặt trận.
Sau những ngày theo dõi quy luật hoạt động địch và chuẩn bị chiến trường, ta bố trí trận địa phục kích cách tượng đài chiến thắng hiện nay về phía núi Kéc không xa. Lực lượng tham chiến gồm: Trung đội 1 thuộc Đại đội 1 Tiểu đoàn 512 cùng 1 tiểu đội đặc công phối thuộc, quân số khoảng 50 đồng chí, trang bị 1 trung liên BAR và các loại súng cá nhân. Ngoài ra, có 1 tiểu đội du kích xã Thới Sơn bố trí áng ngữ cảnh giới địch hướng Nhà Bàng và 10 dân công tải thương.
Như thường lệ, khoảng 7 giờ 30 phút sáng từ căn cứ Vĩnh Trung lên 2 xe GMC chở đầy lính, kéo theo rờ-móc bồn nước lọt vào trận địa phục kích, đặc công điểm hỏa mìn nổ trúng xe đầu không lật, 2 xe dừng lại, địch tràn xuống bám mương lộ phía núi Dài nhỏ đề kháng. Ngay sau mìn nổ, quân ta đồng loạt nổ súng và xung phong chiếm lĩnh trận địa. Sau hơn 10 phút chiến đấu, kết quả ta diệt và làm bị thương 40 tên, bắt 6 tù binh, thu 35 súng, trong đó có 7 khẩu garant M1 - loại súng trường tự động quý hiếm lúc bấy giờ, đốt cháy 2 xe GMC. 1 chiến sĩ đặc công hy sinh, 2 bị thương.
Thu dọn chiến trường xong, quân ta nhanh chóng rút về lõm căn cứ xã Thới Sơn bố trí phòng ngự. Đó là khu vườn cây tạp, mùa khô cành lá xác xơ, trống trải. Trên 100 bộ đội, du kích, cán bộ, dân công dựa vào địa hình tổ chức sẵn sàng chiến đấu. Pháo địch từ căn cứ Vĩnh Trung bắn dọn đường cho bộ binh kéo lên “tiếp ứng”, la hét dưới xóm nhà, cách chốt tiền tiêu quân ta trong tầm súng.
Mặt trời lên cao, mọi người căng thẳng theo dõi địch, chúng vẫn “áng binh bất động” dưới xóm nhà, nghe tiếng gà vịt kêu, biết là chúng đang lùa bắt của dân chuẩn bị ăn trưa. Tôi ngồi dựa gốc cây cùng anh em du kích canh chừng tù binh. Bất chợt có tiếng động ngỡ là địch, hóa ra các chị gánh cơm nước tiếp tế quân ta. Nhìn các chị lưng áo ướt đẫm mồ hôi, tay thoăn thoắt xới cơm và phân chia thức ăn cho từng nhóm quân ta, tôi hỏi: “Lính còn trong xóm làm sao các chị vô đây được?” - Các chị trả lời tỉnh bơ: “Ờ! Mình lựa chỗ nào không có lính thì đi”. Tôi hỏi tới: “Vào đây các chị không sợ sao?”. Các chị nói: “Sợ gì! Nếu sợ để các anh đói sao?”.
Những năm công tác ở huyện Tịnh Biên, tôi thường về xã Thới Sơn, những lần đụng giặc càn quét, tôi cùng anh em cán bộ xã lên núi Kéc tránh giặc, qua trận càn xuống xóm cơm nước. Lần nào cũng vậy, bà con chuẩn bị sẵn cơm sốt canh nóng, chờ giặc rút đi anh em ta có cơm ăn ngay. Lần này khi thấy trời đã xế chiều địch chưa chịu rút sợ quân ta đói khát, các chị mạo hiểm tìm kẽ hở của địch, gánh cơm nước tiếp tế. Ôi! Lòng dân đối với cách mạng cao quý biết bao! Nghĩa tình quân - dân thắm thiết biết bao!
Địch chơi trò “hổ vờn mồi” đến 4-5 giờ chiều rút quân. Đêm ấy, đơn vị bộ đội tỉnh hành quân xuống Châu Thành chuẩn bị trận đánh mới. Tôi cùng đoàn cán bộ tỉnh, huyện theo đường giao liên chuyển chiến thương và áp giải tù binh về căn cứ núi Dài lớn. Núi Phú Cường như là “hậu cứ”.
Từ đây, bọn tôi “bỏ vòi” ra núi Cậu móc nối cơ sở trong thị trấn Tịnh Biên hoạt động. Bọn tôi sống gắn bó cùng đồng bào trong lõm căn cứ núi Phú Cường, lúc ấy địch đã gom hết ra “Ấp chiến lược”. Đêm ấy, bọn tôi lười biếng không leo lên sườn núi mà ngủ dưới chân núi. Khi trời sáng trắng, thức dậy nghe tiếng la hét ngoài đồng, tôi nói: “Dường như tiếng lính” - anh Tám Bê gạt ngang: “Tiếng dân lùa bò vào đó”. Tôi tin lời anh Tám Bê không nói gì, cùng nhau xếp mùng mền vào ba lô để tại chỗ, ung dung xuống dưới xóm.
Đi ngang vườn xoài, anh Tám Bê tạt vào lượm mấy trái xoài rụng, tôi tiếp tục đi đến đầu sân nhà anh Mười Chi, tôi thấy 2 tên lính, một tên quay lưng, một tên nhìn ngang nên không thấy tôi. Trong tích tắc nhận biết lính địch, tôi quay lưng chạy lên núi, anh Tám Bê cũng vừa đến cùng chạy. Địch phát hiện la ó đuổi theo bắn loạn xạ. Bọn tôi chạy một mạch lên núi mệt muốn đứt hơi, thiếu chút nữa toi mạng, trả giá cho thói lười biếng, mất cảnh giác. Trận càn kéo dài suốt ngày, địch đốt trụi núi Phú Cường, du kích chống càn diệt mấy tên, 1 du kích hy sinh. Ba lô của tôi và anh Tám Bê để chỗ ngủ địch lấy hết…
NGUYỄN MINH ĐÀO