“Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”

20/06/2023 - 04:06

 - Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 72/QĐ-TTg, chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, toàn xã hội thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 2001, Ngày Gia đình Việt Nam được tổ chức với nhiều chủ đề phong phú, từ “Vai trò của người cha” đến “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, tới “Bữa cơm gia đình - Ấm áp yêu thương”… nhằm hướng tới tôn vinh các giá trị cao cả của gia đình Việt Nam; tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình là kính trọng các bậc sinh thành; là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em; là chung tay yêu thương, chăm sóc con trẻ…

Các cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình ở Trung ương và địa phương thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động về Ngày Gia đình Việt Nam. Ngày Gia đình Việt Nam gắn với sự kiện Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy tháng 6 hàng năm là “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” với các nhiệm vụ chính là thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ, gia đình Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã coi phát huy nhân tố con người là một trong những định hướng phát triển và cụ thể hóa thành nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong những năm tới. Gia đình là một trong những môi trường giáo dục, hình thành nhân cách con người Việt Nam phù hợp định hướng phát triển của đất nước.

Tuyên dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu huyện An Phú lần thứ II/2023 

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2023 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”. Tỉnh An Giang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về vai trò của gia đình và “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”; tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; đẩy mạnh vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, xã hội.

Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp triển khai nhiều hoạt động gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”, tham gia xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Hội LHPN huyện An Phú Nguyễn Thị Kim Uyên cho biết, hội phối hợp các ngành tuyên truyền, vận động trên 85% hộ gia đình đạt “5 không, 3 sạch”.

Để các gia đình hội viên, phụ nữ nâng cao kiến thức, có sân chơi bổ ích tại cộng đồng, hội vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia các mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ, như: “Gia đình hạnh phúc bền vững”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Mẹ và con gái vị thành niên”, chi hội phụ nữ “5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới…

Biểu dương những gia đình tiêu biểu là một trong những hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, phát triển bền vững. Hội LHPN huyện An Phú vừa phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin tổ chức Liên hoan gia đình tiêu biểu huyện An Phú lần thứ II/2023.

Có 28 gia đình tiêu biểu trên địa bàn huyện tham dự liên hoan, để cùng ôn lại những giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam; giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng gia đình hòa thuận, nuôi dạy con cháu thành đạt; xây dựng gia đình trở thành nền tảng xã hội, chỗ vựa vững chắc, không ngừng phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc…

Phát biểu tại buổi liên hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương ghi nhận những đóng góp tích cực của các gia đình trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, mong muốn để duy trì và xây dựng gia đình hạnh phúc, Hội LHPN huyện và các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt chiến lược phát triển gia đình đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; kế thừa và phát huy những giá trị, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong xây dựng nhân cách, phẩm chất của từng thành viên; đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Lối sống thực dụng còn tác động tới giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. Các tệ nạn xã hội, như: Ma túy, cờ bạc, "tín dụng đen"… diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.

Để gia đình thực sự là bến đỗ bình yên, nơi duy trì bản sắc văn hóa, đồng thời tiếp thu được cái hay, cái mới, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam. Đồng thời, dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo môi trường trong sạch nhằm ngăn chặn tệ nạn xã hội.

Trong đó, duy trì “Bữa cơm gia đình” là việc làm cần thiết phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành để việc thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW  của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, gắn với thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

HỮU NGUYÊN