“Khoảng lặng” giữa phố thị!

12/04/2019 - 07:32

 - Trong cuộc sống bộn bề, hối hả nơi chốn thị thành đôi khi người ta muốn tìm cho mình khoảng lặng, dừng lại để nghĩ suy. Một khoảng lặng vừa đủ để hoài niệm quá khứ hay nghĩ về tương lai, hoặc chỉ để “nhấm nháp” nỗi buồn vu vơ hay đơn giản là để nhìn ngắm, lắng nghe “hơi thở” cuộc sống!

Với tôi, một quán “cà phê cóc” hay một quán xa rời ánh đèn hào nhoáng, tìm về xa xưa là địa điểm tốt nhất để bản thân có thời gian “sống chậm”. “Cà phê cóc”, hiểu nôm na là cà phê vỉa hè, chỉ có bàn ghế là điểm nhấn duy nhất, nhưng cũng không được nhiều. Ấy vậy mà “quán cóc” ấy không hề vắng khách. Điểm làm nên sự khác biệt chính là thời gian mở cửa - chỉ duy nhất ban ngày. Những quán nhỏ ấy,  bàn ghế đặt đâu lưng nhau, diện tích hạn chế đến nỗi chỉ có thể bày biện được vài ba cái bàn. Thế nhưng, khách đến quán lại chưa bao giờ câu nệ hay phiền hà vấn đề chỗ ngồi.

Với nhu cầu ngày càng cao của con người, dường như tất cả đều phải có sự vận động và đổi mới. Song, thời gian hẳn đã “ưu ái” cho khá nhiều thứ dẫu không thay đổi nhưng vẫn âm ỉ hiện hữu trong từng nhịp thở. Điển hình nhất chính là những quán "cà phê cóc”. Tại sao ư? Chỉ đơn giản rằng, ở những quán “cóc” ấy, mọi người dễ tìm được sự gần gũi, thân thương đến lạ. Không riêng gì tôi, những ai đã 1 lần uống “cà phê cóc” đều có cảm nhận như thế. Bởi ở đó, những con người xa lạ có thể làm quen với nhau một cách nhanh chóng qua những câu nói, những mẫu chuyện, nhiều người còn trở thành tri kỷ!

Cà phê hoài cổ hay “cà phê cóc” khá trầm lặng giữa nhịp sống hiện đại

Điểm khác biệt làm nên “cà phê cóc”, chủ quán cũng chính là phục vụ. Vì, ly cà phê có bao nhiêu đâu mà mướn thêm nhiều người. Nối nghiệp gia đình bán cà phê ở quán “cóc” nhiều năm nay, hầu như vị khách nào đến quán, chị Thủy (33 tuổi, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cũng biết rõ tên và tính tình từng người. “Quán tôi chủ yếu bán cho “mối” quen. Có lẽ vì thương quán nhỏ, hầu như khách ghé ủng hộ hàng ngày. Không nhiều như những quán sang trọng, đầy đủ tiện nghi nhưng quán nhỏ này cho gia đình tôi cuộc sống ổn định. Bán lâu, khách quen nên tôi hiểu tính ý từng người. Có người uống cà phê đắng, hoặc thích ngọt nhiều. Chỉ cần dặn qua 1 lần là tôi đã nhớ. Quán để được chừng 4 bộ bàn ghế, nhiều người góp ý tôi thiết kế lại, nhưng tôi không muốn, bởi đơn giản khách đã quá quen thuộc với không gian như thế này, dẫu có chật hẹp nhưng họ vẫn đến, hà cớ gì phải thay đổi. Có khi, sửa sang lại, khách không còn cảm giác thân thuộc như xưa, không muốn đến quán nữa thì khổ!” - chị Thủy chia sẻ.

 “Mỗi ly cà phê ở quán “cóc”, tôi tốn 7.000 đồng, cà phê sữa 10.000 đồng, còn trà đá thì cứ việc uống thả ga, hết là kêu chủ mang ra. Có khi uống bữa nay nhưng đến ngày mai, ngày mốt trả tiền, chủ quán chẳng phiền hà gì. Vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa nói chuyện với những người bạn mới, tôi thấy mình được thư giãn rất nhiều. Đôi khi chỉ là ngắm nhìn dòng người tấp nập trên phố, hay 1 chiếc lá bay nhẹ cũng đủ làm mình thanh thản vì tìm được sự bình yên” - ông Năm Nhất (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) bộc bạch.

Còn với những quán cà phê hoài cổ, gần như ngày nay đang trở thành xu thế. Đến quán, dễ nhận thấy sự khác biệt từ cảnh sắc trang trí, đến đồ vật trưng bày hay “gu” thưởng thức âm nhạc. “Tôi rất ấn tượng với những quán cà phê có trưng bày đồ vật xưa. Không hiểu sao, mỗi lần đặt chân vào những quán như thế, tôi có cảm giác rất bình yên. Giai điệu trữ tình cất lên trầm bỗng, ngồi thưởng thức tách cà phê, ngắm nhìn ký ức xưa, dường như không gian và thời gian trôi chậm lại, khiến lòng người không thôi nghĩ về những hồi ức đã qua” - ông Trần Hữu Nhân (ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) bộc bạch.

Trên con đường nhộn nhịp Tôn Đức Thắng (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), gần đây xuất hiện quán cà phê “hoài cổ” khá ấn tượng tên “T.G”. Chủ quán khéo léo đặt từng chi tiết nhỏ của ngày xưa như: tivi, máy nghe nhạc, điện thoại, đèn ngủ, máy hát cổ, xe cổ… một cách tinh tế. Khách đến quán dễ dàng bị cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. “Tôi rất thích đến quán “hoài cổ” thế này để thưởng thức cà phê. Ở đây, tôi dễ dàng bắt gặp nhiều tâm hồn đồng điệu giống mình. Chúng tôi cởi mở trao đổi thông tin, hiểu biết về các món đồ được trưng bày như những người bạn lâu ngày thân thiết. Đâu đó trong những món đồ cổ ấy là những kỷ niệm thời thơ ấu mà tôi khó tìm được ở hiện tại. Chúng bất chợt ùa về khiến lòng cứ miên man nỗi nhớ!” - anh Hải (40 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) chia sẻ.

Thư giãn bên những quán cà phê là cách mà nhiều người đã thử. Nó càng thực sự hiệu quả khi khoảng lặng của quán đủ lớn để níu chân thực khách nhiều lần sau nữa. Và, cà phê hoài cổ hay “cà phê cóc” là một trong những điểm nhấn nhỏ của thành phố nhộn nhịp, nhưng đã tạo nên sự khác biệt giữa guồng quay hiện đại. Hãy trải nghiệm và cảm nhận!

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN