Chặng đường đi xuống như tạo đà ngoạn mục để nghề truyền thống một lần nữa “phất lên” với sức sống mới, “lột xác” thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ… bắt mắt, giá trị cao hơn, đem về cuộc sống ấm no cho cư dân núi Nước.
Người có công làm “sống lại” nghề đươn đệm bàng là chị Trần Thị Trang, hiện là chủ Cơ sở Trung Trang, ở thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Tuổi thơ của chị Trang đã lớn lên bên những chiếc đệm bàng được mẹ truyền dạy và chứng kiến, thấu hiểu sự thăng trầm của nghề hơn ai hết.
Hầu như ai cũng chấp nhận quy luật cái cũ rồi sẽ lụi tàn… và chị Trang cũng thế. Tuy nhiên, nhờ những năm tháng đi làm, học hỏi, tìm hiểu về sản phẩm mỹ nghệ xung quanh, cô gái ở xóm đệm bàng Ba Chúc đã có cái nhìn mới.
Trở về quê, chị Trang đem theo khát khao đổi mới làng nghề. Khởi đầu là những chiếc giỏ làm từ đệm bàng do chị và mẹ sản xuất. Được khách hàng đón nhận, chị học hỏi trên mạng thiết kế thêm mẫu mã mới, chăm chỉ học vẽ, sáng tạo mẫu túi xách, balo, ví, dép…
Căn nhà nhỏ nhanh chóng trở thành xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữ, ngày ngày rôm rả tiếng cười. Nhiều chị trước đây phải rời địa phương tìm đến các công ty may công nghiệp, giờ đã an tâm vì tìm được việc phù hợp, ổn định thu nhập ngay ở quê nhà.
Sự mộc mạc của những chiếc túi làm bằng chất liệu truyền thống lại là điểm nhấn cho nhiều khách hàng nữ thêm phần sang chảnh, thanh lịch.
Chiếc giỏ đệm truyền thống quen thuộc ngày nào, nay được làm kích cỡ mini xinh xắn hơn, giúp chị em sử dụng như một phụ kiện điệu đà theo nhiều mục đích, hoàn cảnh.
Xóm đệm bàng nhộn nhịp trở lại, với niềm vui của các bà, các cô sau giai đoạn canh cánh về nghề và những lao động trẻ sẵn sàng tham gia phát triển nghề truyền thống.
Nghề đươn đệm bàng từng tạo ra rất nhiều sản phẩm thân thiết với cuộc sống thường nhật cho người dân. Bắt nhịp công nghiệp hóa, với máy móc và óc sáng tạo không ngừng, làng nghề không chỉ được duy trì, mà đã tạo ra hàng trăm sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng hiện đại. Nón, đế ly, cặp, balo, dép, túi… liên tiếp nối dài những sản phẩm không thể kể tên hết, cũng như niềm vui, sự yêu nghề của người dân Ba Chúc được viết tiếp trên một trang mới.
MỸ HẠNH