Từ phà Năng Gù, theo Tỉnh lộ 951 hướng về TX. Tân Châu, địa phận xã Phú Thọ (huyện Phú Tân) được nhận diện bằng những hàng lò đất phơi nắng trước mỗi sân nhà. Nhiều người quen gọi nơi đây là “xóm lò đất”, vì có đến hàng chục hộ sản xuất.
Các hộ làm lò đất tập trung sát mé sông, thuận tiện cho việc giao thương, vận chuyển bằng đường thủy từ xưa. Ngày nay, điều kiện vận chuyển đã dễ dàng hơn, số ít hộ vào khu dân cư sinh sống cũng có thể an tâm giữ lại nghề để tiếp tục làm kế sinh nhai.
Như bao nghề truyền thống khác, do hoạt động có thời điểm khó khăn, số hộ làm lò đất dần thu hẹp so với chục năm trước. Thêm vào đó, lớp trẻ ngày nay không mặn mòi với việc từ sáng đến tối vất vả “chân lấm tay bùn” để nối nghề của gia đình.
Còn lại những người vẫn kiên nhẫn suốt ngày quần quật với… đất, không chỉ để mưu sinh…, bởi họ rất nặng lòng cùng cái nghề được ông bà truyền lại, nhất là những nhà không có đất làm ruộng, nhờ chăm chỉ nắn lò qua mưa nắng mà nuôi lớn con cháu. Từng công đoạn thủ công đều nặng nhọc, người ở "xóm lò đất" chỉ cười xòa: “Cực lắm, cả ngày cúi mặt nhào nặn đất, mới xong được một mẻ lại tất tả kéo bạt che mưa. Vậy mà không bỏ được! Chắc bởi quen mùi bùn đất…”.
Vẫn “mê” hơi đất, hơi lò, song để tồn tại, một số hộ đã có ngả rẽ linh hoạt hơn. Ngoài lò củi, họ còn làm nhiều sản phẩm khác, như: Nồi om, khuôn bánh, nồi đất kho quẹt, ấm trà, niêu cơm…
Máy móc hỗ trợ một phần, giúp các sản phẩm làm ra nhanh hơn, đẹp hơn. Khởi đầu từ 1 hộ, sau đó được nhiều hộ trong xóm lò bắt nhịp chuyển hướng, thị trường cần gì thì họ tập trung sản xuất sản phẩm đó.
Nguyên liệu làm lò đất, cũng như các sản phẩm mới vẫn là đất sét mua ở Hòn Đất (Kiên Giang), đặc trưng tính dẻo mịn, làm ra sản phẩm vừa bền, vừa đẹp.
Những “ông táo” truyền thống sau khi nung lửa hàng chục tiếng đồng hồ đã “chín” thành màu gạch tươi rói. Có nơi, lò đất sẽ được gắn thêm vỉ thông gió, bao bọc lớp nhôm bên ngoài để tăng tuổi thọ sử dụng.
Dù ngày nay, bếp gas, bếp từ phổ biến, lấn lướt vai trò thông dụng của lò củi, nhưng người ta không lo chiếc bếp bằng chất liệu đất mộc mạc biến mất khỏi đời sống. Nhu cầu sử dụng lò bếp vẫn ổn định ở các tỉnh ĐBSCL. Mỗi đợt giáp Tết, hàng ngàn chiếc lò vẫn ngược xuôi theo các chuyến hàng được chọn mua để đổi “ông Táo” cho năm mới.
Loại lò đất con con giờ lại được dân thành thị yêu thích để chế biến món nướng, món kho. Kể cả mấy khuôn bánh, nồi om không hẳn được mua để sử dụng đúng mục đích nấu nướng. Mà đáp ứng nhu cầu trưng bày như một món thủ công mỹ nghệ, tái hiện không gian và nếp sống xưa.
Một sản phẩm giá chỉ vài chục ngàn đồng, thành ra đồng lời kiếm được không cao. Bù lại, nhờ số lượng bán nhiều, nên các hộ còn bám nghề tới nay vẫn sống ổn. Hàng tháng, bến sông vẫn tấp nập không khí làm việc. Càng về cuối năm, nhịp sống càng rộn rã và xôm tụ.
MỸ HẠNH