“Phèn ơi!”

12/11/2021 - 06:39

 - Hổng biết ngày xưa tại sao ông bà lại nghĩ thêm mấy cái tên cho màu sắc của chú chó nuôi trong nhà. Chó có lông màu đen, kêu là “mực”, ừ thì đen như mực, hợp lý. Cả thân hình màu trắng như cò, kêu chó cò, cũng hợp lý. Chó có màu lốm đốm đen trắng trên mình, thích thì kêu chó vện, không thích thì kêu chó đốm, dễ hiểu. Tới con chó màu vàng, tự nhiên có tên là phèn. Phèn, cái tên chất chứa sự nghèo hèn, lem luốc, lăn lộn của mấy chú chó miệt vườn Nam Bộ…

Nhắc đến chó, chắc ít ai quên “cậu Vàng” của “Lão Hạc” - chú chó đi vào văn chương kinh điển Việt Nam. Sống khổ sở trong đói nghèo, nhưng “cậu Vàng” vẫn được yêu thương, trân quý theo cách riêng của lão Hạc. Chú chó được gọi tên đầy trân trọng, âu yếm, được xem như một con người, từ việc ăn uống, tắm táp, chuyện trò. Về tới miền Nam, hễ thấy chú chó có bộ lông vàng, người ta cứ quen miệng kêu: “Phèn ơi!”, chắc thấy giống màu nước phèn vàng đục. Điển hình nhất là chú chó Phèn trong phim “Đất phương Nam”, với sự trung thành, dũng cảm, gắn bó với đồng quê thời khói lửa.

Trong tác phẩm “Đứa con của đất” (nhà văn Anh Đức), không gian đặc quánh về những người dân Nam Bộ anh hùng, chẳng thể nào thiếu vắng bóng dáng chú chó phèn. Một đoạn trích rất đặc sắc về chú chó, khiến độc giả thổn thức: “Con Phèn, ôi, con chó già sắp rụng răng đó đã có mặt trong cái chòi này trước cả tôi nữa kia. Con chó ấy đã cùng ba má tôi sẻ chia bao nỗi khổ cực đắng cay. Nghe má tôi kể, trong cái năm má tôi về sống với ba tôi, con Phèn bấy giờ là một con chó nhỏ, ốm nhom.

Ngoài con Phèn thì trong chòi ba tôi lúc ấy chẳng có gì đáng giá. Có lần con Phèn đã suýt bị ba tôi bán đi để kiếm chút tiền chạy thuốc cho chị Hòa tôi bị lên ban nóng. Nhưng lúc ba tôi trói con Phèn thì con Phèn chảy nước mắt. Nó không vùng vẫy để chạy, mà cứ yên chịu cho ba tôi trói. Khi vòng dây càng thít chặt, nước mắt con Phèn vụt chảy tuôn tuôn. Đến nỗi má tôi oà khóc theo, rồi la lên, thét bảo ba tôi cởi trói và đổi ý khăng khăng không chịu bán con Phèn nữa”.

Thời khai hoang mở cõi vùng đất Nam Bộ, mấy chú chó quấn quýt bên người, ngày rong ruổi chơi bời ngoài ruộng rẫy, đêm dỏng tai thức canh đủ thứ xung quanh. Miếng ăn của người bữa có bữa không, bữa đầy bữa vơi, thì miếng ăn của chú chó càng chắt mỏn, hẩm hiu. Một đồng nghiệp vong niên của tôi, sau mấy mươi năm rời xứ Nghệ, gắn bó với miền Nam đúc kết: “Nhắc đến mấy chú chó ở nơi này, trong đó có chó phèn, tôi nghĩ ngay đến loài động vật gắn bó với người lao động vất vả nhưng trọng tình người. Chó phèn không chê chủ khó, không vì chủ nghèo mà bỏ đi. Ngược lại, chúng suốt ngày lẽo đẽo gắn bó, sống chết với người nông dân một nắng hai sương”.

Trầm ngâm bên thửa ruộng, ông Hai Đức (sinh năm 1967, ngụ tỉnh Kiên Giang) hớp ngụm trà và kể tôi nghe chuyện của Phèn. Mấy năm trước, trong một lần qua cánh đồng giáp ranh huyện Thoại Sơn làm lúa, ông mải mê làm lụng, quên để ý trời dần sụp tối, gió giông muốn xô ngã căn chòi. Ông vội thu gom đồ đạc, ba chân bốn cẳng chạy ra đường cộ.

Đang lúi húi quấn giỏ đồ lên yên xe, ông nghe tiếng “ẳng”. Nhìn lại, một chú chó nhỏ xíu bị ông dẫm lên đuôi. Trong ánh đèn nhập nhoạng, ông nhìn thấy bộ lông vàng ướt mem, chẳng kịp nghĩ ngợi, buột miệng: “Chèn ơi, sao trời mưa trời gió mà nằm đây hả Phèn?”. Xách nó lên, lật qua lật lại, không thấy thương tích gì, ông yên tâm phần nào. Chú chó run lẩy bẩy trên bàn tay gân guốc, nhìn ông bằng vẻ mặt rất tội.

Không biết chủ của nó là ai, ông tặc lưỡi, đem về nhà chăm sóc đỡ. Mấy hôm sau, trở lại ruộng, ông đem nó hỏi thăm, chỉ nhận lại cái lắc đầu. “Thấy nó có duyên với mình, tôi nuôi luôn, kêu Phèn chớ đặt tên gì nữa giờ. Nó khôn lắm, biết giữ trại, giữ lúa, lăn lộn dưới sình bắt cho bằng được mấy con chuột. Đi chơi ở đâu thì đi, nhưng nó luôn giữ khoảng cách đủ để nghe tôi kêu “Phèn ơi!”, cong đuôi chạy về, mình mẩy biến thành chó mực. Mấy bữa tôi bệnh, nó lẩn quẩn bên chân, liếm liếm bàn tay tôi, tình cảm hết sức” - ông Hai Đức cười khẽ.

Một lần, ông đi khám bệnh ở TP. Hồ Chí Minh về muộn. Phèn không ra đón, ngoắc đuôi nhộn nhạo như mọi khi. Người nhà ngạc nhiên, mới thấy nó đây mà! Cả nhà chia nhau đi kiếm tới khuya, hỏi thăm hàng xóm mà không thấy tung tích nó. Ông kêu “Phèn ơi” đến mức tiếng nói khàn đặc trong cổ họng, càng kêu càng tuyệt vọng.

Trở về nhà, chờ cả đêm nóng ruột, chờ tới giờ, ông chưa từng gặp lại nó. Ông bậm môi, nén tiếng thở dài, bưng ly trà mà chẳng hớp nổi: “Chắc là nó gặp chuyện không may, rời bỏ tôi đột ngột, giống như đến với tôi đột ngột lúc trước. Thằng con lớn hỏi: “Hay là kiếm lại con phèn khác cho ba?”. Tôi lắc đầu. Có giống màu, thì cũng vẫn là con chó khác…”.

Cuộc sống thay đổi, chó vẫn là loài vật gắn bó với con người, nhưng được chăm sóc “cao cấp” hơn; tên gọi, chủng loại phong phú hơn, không còn “phèn” như trước nữa. Tên “phèn” dần lùi vào dĩ vãng, trong rưng rức thương nhớ của người trải qua năm dài tháng rộng như ông Hai Đức, của thế hệ 8X chúng tôi trở về trước. Như thói quen ăn sâu vào tiềm thức, cứ mỗi lần thấy chú chó vàng, sẽ có người buột miệng: “Phèn ơi!”.

GIA KHÁNH