Ông Bảy Mọi tặng gạo cho gia đình có 2 anh em cùng mắc bệnh tâm thần
Về ấp Trung Bình Nhì (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn), khu vực gần cầu Ba Bần hỏi thăm nhà ông Bảy Mọi (53 tuổi) không những người lớn mà trẻ con nơi đây đều biết đến ông. Bởi, người dân bao năm nay đã quá quen thuộc với hình ảnh ông Bảy chân đi khập khiễng mà vẫn xốc vác từng bao gạo chở đến tặng các hộ nghèo mỗi tháng. Hỏi ra mới càng trân quý hơn bởi ông Bảy chính là người cựu chiến binh Huỳnh Văn Mọi, tham gia kháng chiến tại chiến trường Campuchia suốt 2 năm. Ông không may đạp phải mìn nên bị thương 1 chân. Sau đó, ông rời đơn vị trở về quê hương, tiếp tục đảm nhận vai trò Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Tây Bình (xã Vĩnh Trạch). Cuối năm 2017, ông chuyển qua đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Trạch đến nay.
Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc thiện nguyện, ông Bảy cho biết: “Có lẽ do trước đây đã từng đảm nhiệm vai trò phó ấp nên tôi có thói quen đi từng ngõ ngách, hiểu từng hoàn cảnh gia đình, thấy được bao sự khó khăn vất vả của các hộ gia đình, trước các hoàn cảnh đó tôi không thể chịu nổi nên trăn trở tìm cách giúp đỡ. Đó là các việc làm từ vận động trực tiếp các gia đình khá hơn các phần quà nhu yếu phẩm, gạo, thuốc men đến vận động gián tiếp trên kênh facebook để giúp đỡ người nghèo”. Trong quá trình trao tặng hỗ trợ người nghèo, ông Bảy còn nắm thêm các hộ đau bệnh như: ung thư, suy thận, tâm thần, học sinh nghèo không có điều kiện đến trường… về viết bài kêu gọi thêm.
Học không tới lớp 5, ông Bảy không có nhiều chữ nghĩa nhưng với tấm lòng với người nghèo ông quyết tâm học cách sử dụng facebook, học chụp ảnh, quay video clip hay livestream các chuyến đi phát gạo, chuyến đi khảo sát các hoàn cảnh để mọi người cùng thấu hiểu và chia sẻ. Có những hoàn cảnh cấp bách quá, người bệnh nặng cần chữa trị ngay ông Bảy ngoài viết bài trên mạng xã hội còn liên hệ phóng viên Báo An Giang đến xác minh các hoàn cảnh để viết bài kêu gọi rộng rãi hơn. Phóng viên Ngọc Giang (Báo An Giang) chia sẻ: “Đó là cơ duyên khi tôi đến tìm hiểu hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, ngụ ấp Trung Bình Nhì, mắc bệnh nhiễm trùng máu, viêm não không có tiền chữa trị thì cũng là lúc gặp chú Bảy đang đến hỗ trợ gạo cho gia đình chị Kiều. Thấy việc làm ý nghĩa của tòa soạn báo, chú hăng hái giới thiệu thêm cho tôi rất nhiều hoàn cảnh đau bệnh, túng quẫn khác cũng rất cần sự giúp đỡ”.
Dù đôi lúc sức khỏe không được đảm bảo, các cơn đau từ vết thương do những năm tháng chiến tranh vẫn còn đó nhưng với tấm lòng sẻ chia với người nghèo, ông Bảy luôn đồng hành cùng phóng viên, trưởng, phó ấp, cán bộ mặt trận, cán bộ giảm nghèo của địa phương đi từng ngõ ngách, vào các tuyến đường sâu hun hút tận ruộng đồng để hiểu tường tận cái khó của người nghèo, người bệnh. Đi đến đâu ông đều phát trực tiếp, giới thiệu đến đó. Ông Bảy chia sẻ: “Thời buổi công nghệ, chỉ cần mình chịu khó một chút thì cộng đồng trong nước, kiều bào ngoài nước đều có thể hiểu, biết được những điều mình đang làm. Bản thân tôi là cán bộ, không có điều kiện giúp đỡ hết người nghèo, chỉ mong góp vài câu chữ, hình ảnh làm “nhịp cầu” nhân ái giúp người nghèo được san sẻ khó khăn và giúp những tấm lòng hảo tâm có thêm địa chỉ tin cậy để làm việc thiện nguyện vì cộng đồng”.
Bài, ảnh: TRÚC PHA