“Săn” ảnh trên non

01/07/2022 - 02:17

 - Sở hữu khung cảnh hữu tình cùng nhiều huyền thoại linh thiêng, vùng Bảy Núi luôn thu hút rất nhiều tay máy chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đến “săn” ảnh đẹp. Tuy nhiên, sau mỗi tấm ảnh đẹp là câu chuyện về sự kỳ công của những người đã dành trọn đam mê cho nhiếp ảnh.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tịnh Biên (tỉnh An Giang) nhiều nắng gió, anh Phạm Ngọc Vũ (Tổ trưởng Tổ hướng dẫn du lịch - Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm) đã chọn nhiếp ảnh làm niềm đam mê cho mình. Với anh Vũ, một tấm ảnh đẹp về quê hương Tịnh Biên và nhất là núi Cấm sẽ mang sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Do đó, anh thường lên xuống núi Cấm cùng chiếc máy ảnh để tìm tòi, khám phá những nét đẹp của ngọn núi quê hương.

Phạm Ngọc Vũ chia sẻ: “Tôi chụp ảnh một phần vì nhiệm vụ nhưng phần lớn là sự đam mê. Chơi ảnh như một “cái nghiệp”, thiếu đam mê sẽ chẳng đi đến đâu. Vì vậy, tôi cứ lặn lội khắp mọi ngõ ngách trên Thiên Cấm Sơn để “săn” ảnh đẹp. Đó có thể là những ngày mây là đà trên mặt nước hồ Thủy Liêm, là khung cảnh mơ màng trên đỉnh Bồ Hong, hay khung cảnh hùng vĩ ở điện Cây Quế, điện Huỳnh Long… Thật sự, mỗi tấm ảnh đẹp là cả quá trình đầu tư về phương tiện, thời gian và công sức”.

Theo anh Vũ, với những người chơi ảnh nghiệp dư thì không phải lúc nào cầm máy lên là có ngay ảnh đẹp. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ thời tiết cho đến kỹ năng, góc nhìn của người chụp. Khi đi “săn” ảnh trên non, những yêu cầu đó còn phức tạp hơn. Khổ nhất là chuyện người chơi ảnh bị “vỡ” đề tài do hoàn cảnh khách quan.

"Săn" mây núi Cấm là sở thích của rất nhiều người đam mê nhiếp ảnh

“Chỉ nói đến việc “săn” mây núi Cấm đã là một kỳ công! Có khi, tôi phải mất đến 2-3 ngày mới chụp được ảnh có mây trên núi Cấm. Nhưng khi đã có mây thì chưa chắc sẽ cho ra ảnh đẹp. Do đó, mình cứ bấm máy liên tục khoảng 20-30 tấm ảnh sẽ lấy được 1 tấm đẹp, nhưng cũng có khi chẳng được tác phẩm nào ưng ý. Lúc đó, đành phải đi chụp lại!” - Phạm Ngọc Vũ thật tình.

Ngoài mây, núi Cấm còn rất nhiều điểm đến có thể cho ảnh đẹp nhưng đòi hỏi người chơi ảnh phải đổ mồ hôi và có khi là… máu. Đó là khi các tay máy muốn có ảnh về những con thác hùng vĩ như trong phim cổ trang trên núi Cấm. Mùa khô, đường dễ đi nhưng thác không có nước. Đến mùa mưa, đường xuống thác Suối Tiên trơn như đổ mỡ.

Việc mang đủ thứ phụ kiện lỉnh kỉnh của máy ảnh đi qua những con đường rừng ngoằn ngoèo, hay mấy dốc đá lởm chởm là cả sự quyết tâm. Đã có trường hợp đi đến nơi, nhưng do va đập mạnh trong quá trình di chuyển khiến máy ảnh không hoạt động. Khi đó, những tay máy chỉ còn biết… "cười ra nước mắt".

“Vất vả là vậy, nhưng khi có được một tấm ảnh đẹp và chuyển tải được ý tưởng của mình là niềm vui sướng không thể tả. Tôi nghĩ, trình độ của người chơi ảnh sẽ khác nhau, nhưng niềm vui sướng khi có tác phẩm đẹp thì như nhau. Bởi thế, mỗi lần đi “săn” ảnh trên núi Cấm, tôi hay rủ những anh em có kỹ năng tốt hơn mình để học hỏi kinh nghiệm, cũng như giới thiệu đến mọi người những góc ảnh mới của Thiên Cấm Sơn hùng vĩ” - Phạm Ngọc Vũ cho hay.

Gắn bó với chiếc máy ảnh đã 35 năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Nhậm (xã An Phú, huyện Tịnh Biên) thường xuyên đi “săn” ảnh khắp vùng Thất Sơn. Ông Nhậm cho biết, vùng Bảy Núi vốn sở hữu nhiều cảnh đẹp tuyệt vời, nên với những tay máy giàu kinh nghiệm thì đề tài khai thác sẽ vô cùng phong phú. Riêng núi Cấm, ông Nhậm đã nhiều lần lặn lội để “săn” cho được những tấm ảnh độc đáo.

Ông Nhậm cho biết: “Tôi đã thực hiện nhiều đề tài trên núi Cấm, nhưng nổi bật nhất là bộ ảnh về các điểm du lịch và vườn quýt hồng. Ngoài ra, tôi còn khá nhiều ảnh đẹp về các điểm hành hương trên núi Cấm với góc nhìn mới mẻ. Điểm khác biệt của việc “săn” ảnh trên non so với dưới đồng bằng đó là sự đầu tư và kiên nhẫn. Lấy ví dụ tác phẩm “Thiên Cấm Sơn”, tác giả Thanh Liêm phải “nằm” lại núi Cấm đến 7 ngày mới có được”.

Ngoài ra, còn phải kể đến những khó khăn, vất vả trong suốt quá trình sáng tạo ra tấm ảnh nghệ thuật đúng nghĩa. Ông Nhậm khẳng định, khi tác phẩm của mình được hoàn chỉnh, người nghệ sĩ sẽ vô cùng hạnh phúc, vì đó là “đứa con tinh thần” mà họ phải mất rất nhiều tâm huyết để tạo ra. Với những tấm ảnh trên non, cảm giác hạnh phúc sẽ nhiều hơn gấp bội bởi sự kỳ công của người nghệ sĩ.

“Không riêng gì núi Cấm mà khắp vùng Bảy Núi đều có những góc ảnh đẹp để người chơi chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư có thể tạo ra tác phẩm đẹp. Do đó, tôi đã kết nối rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khắp cả nước đến đây sáng tác. Mục đích chính là giới thiệu nét đẹp về vùng Bảy Núi nói riêng và tỉnh An Giang nói chung, mặt khác cũng để học hỏi, trao đổi thêm kinh nghiệm với mọi người. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục với niềm đam mê “săn” ảnh để giới thiệu đến mọi người về nét đẹp độc đáo của quê hương mình" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Nhậm cho hay.

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích