Cuối tuần qua, “Dear Evan Hansen” bộ phim vừa ra mắt tại LHP Toronto đã có một khởi đầu không thuận lợi lắm khi chỉ thu về 7.5 triệu USD từ 3.365 rạp ở khu vực Bắc Mỹ, đứng thứ nhì trong bảng xếp hạng. Trước khi ra rạp, các chuyên gia cho rằng, bộ phim được chuyển thể từ vở nhạc kịch cùng tên này sẽ thu về ít nhất 10 triệu USD trong kỳ nghỉ cuối tuần 3 ngày.
Mặc dù bộ phim dường như không đem lại lợi nhuận ngoài rạp chiếu, nhưng khoản lỗ cũng sẽ không quá thảm. “Dear Evan Hansen” có chi phí đầu tư hết 28 triệu USD, một chi phí khá tiết kiệm đối với một bộ phim ca nhạc. Điều này đặt Universal vào một vị trí tốt hơn nhiều so với bộ phim ca nhạc trước đó “Cats” khai màn tuần đầu công chiếu chỉ với 6,5 triệu USD doanh thu vào cuối năm 2019, khiến cho hãng phim gần như mất toàn bộ kinh phí đầu tư 100 triệu USD.
Cảnh trong phim “Dear Evan Hansen”.(Ảnh: Variety)
Phản ứng đối với “Dear Evan Hansen” khác rất nhiều so với vở nhạc kịch từng được chào đón nhiệt liệt vào năm 2016, và giành tới 6 giải Tony Awards và đưa diễn viên Ben Platt lên hàng sao. Những phản ứng này càng củng cố thêm ý tưởng đưa vở nhạc kịch lên màn ảnh rộng.
Hồi đầu mùa hè, bộ phim chuyển thể từ vở diễn ăn khách “In the Heights” của Lin-Manuel Miranda đã phải rất vất vả để thu hút khán giả khi ra mắt đồng thời trên HBO Max. Bộ phim ca múa nhạc này có kinh phí sản xuất 55 triệu USD, cao gần gấp đôi số tiền chi cho “Dear Evan Hansen” của Universal, và thu về 11,5 triệu USD trong dịp cuối tuần ra mắt phim. Phim kết thúc chu trình chiếu rạp của mình với 29 triệu USD tiền vé trong nước Mỹ và 43 triệu USD tiền vé rạp toàn cầu, khiến cho hãng phim thua lỗ hàng triệu USD.
Ben Platt tiếp tục vai diễn Evan Hansen của mình trong bộ phim điện ảnh, một học sinh trung học bị mắc kẹt trong lời nói dối của mình và luôn lo lắng. Nhiều ý kiến chỉ trích việc lựa chọn Ben Platt bởi vì ở tuổi 27, anh quá già so với một học sinh trung học. Khán giả xem phim đã đánh giá phim ở mức A-, cao hơn so với 33% trên web Rotten Tomatoes. Khoảng 62% khán giả là nữ, trong số đó có 53% ở độ tuổi như Platt, nghĩa là trên 25 tuổi.
“Dear Evan Hansen” chỉ chiếu ngoài rạp, nơi góp phần thúc đẩy việc bán vé. Bởi vì năm ngoái, Universal đã ký thỏa thuận với các hệ thống rạp chiếu về việc đưa phim lên mạng sớm hơn thông thường, “Dear Evan Hansen” sẽ có mặt trên các nền tảng từ ngày 14-10.
Jim Orr, Chủ tịch khu vực phát hành trong nước của Universal cho biết: “Chúng tôi đã có những phản ứng rất tốt của khán giả, đặc biệt là từ những phụ nữ trẻ. Chúng tôi hy vọng bộ phim sẽ phát hành tốt từ khởi đầu này”.
Ngược lại với “Dear Evan Hansen”, “Shang Chi” lại quá thuận lợi khi tiếp tục giữ vững ngôi quán quân phòng vé ở tuần thứ 4 mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Bộ phim siêu anh hùng của Disney và Marvel đã thu về 13,3 triệu USD trong kỳ nghỉ cuối tuần thứ 4 phát hành ngoài rạp, nâng tổng doanh thu đến nay lên 196, 5 triệu USD, một con số đáng nể khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang tiếp diễn.
Sau dịp cuối tuần này, “Shang Chi” đã vượt qua “người chị em” cùng hãng “Black Widow” của vũ trụ siêu anh hùng Marvel (183 triệu USD) để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm tính cho đến nay. “Black Widow” từng được phát hành không chỉ ngoài rạp mà còn cả trên Disney Plus với mức phí cao nhất là 30 USD, và thu về ít nhất 125 triệu USD qua đây. Cách đây vài tuần, Scarlett Johansson đã kiện hãng Disney và cáo buộc việc chiếu song song bộ phim đã làm giảm doanh thu phòng vé và giảm cả tiền đền bù của cô.
Tại các thị trường quốc tế, “Shang Chi” thu về 166,9 triệu USD trong dịp cuối tuần, và hãng phim hy vọng sắp tới, phim phát hành tại thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng doanh thu. Tính đến nay, tổng doanh thu toàn cầu của bộ phim là 363 triệu USD.
Giữ vị trí thứ ba bảng xếp hạng là bộ phim hài siêu tưởng “Free Guy” cũng của hãng Disney, với 4,1 triệu USD từ 3.175 rạp chiếu khắp nước Mỹ. Sau gần hai tháng phát hành ngoài rạp, bộ phim có sự tham gia của ngôi sao Ryan Reynolds đã thu về 114 triệu USD doanh thu trong nước và 317,4 triệu USD doanh thu toàn cầu. Đây là một kết quả đặc biệt khả quan, bởi bộ phim không phải phần tiếp theo nào của loạt phim sẵn có với hiệu ứng ăn khách từ trước. Hãng Disney đã úp mở đề cập đến việc thực hiện phần tiếp theo của bộ phim.
Bộ phim “Candyman” của hãng Universal giữ vị trí thứ 4 bảng xếp hạng với 2,5 triệu USD từ 2.556 rạp chiếu Bắc Mỹ. Tính đến nay, bộ phim đã thu về 56,8 triệu USD doanh thu từ Mỹ và Canada, và 73 triệu USD từ các thị trường khác trên thế giới.
Đứng thứ 5 bảng xếp hạng là bộ phim về miền Tây “Cry Macho” của đạo diễn Clint Eastwood. Bộ phim của hãng Warner Bros. được công chiếu đồng thời trên HBO Max, giảm tới 52% so với tuần đầu phát hành, và thu về 2.1 triệu USD từ 4.022 rạp chiếu. Từ khi ra rạp cuối tuần trước, cho đến nay phim đã thu về 8,3 triệu USD tiền vé.
Theo TUYẾT LOAN (Báo Nhân Dân)