Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017, UBND tỉnh An Giang phê duyệt dự án điều chỉnh năm 2018, tổng mức đầu tư trên 1.287 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Dự án được thực hiện từ năm 2018 - 2023, nhằm giải quyết các vấn đề về phát triển đô thị, cải tạo khu dân cư thu nhập thấp; cải tạo tuyến rạch trong nội ô bị bồi lắng, ách tắc dòng chảy.
Ngoài ra, dự án kết nối mạng lưới giao thông trong thành phố, như: đường Hùng Vương, Trần Quang Diệu, kè rạch Long Xuyên… tạo thêm quỹ đất đô thị, thúc đẩy hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng khả năng tiếp cận với không gian công cộng và nâng cao năng lực thành phố về quản lý đô thị.
Quy mô đầu tư dự án gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 là nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 trong khu vực thu nhập thấp cho 4 khu (LIA): LIA1 phường Mỹ Bình, LIA3 phường Đông Xuyên, LIA5 phường Mỹ Xuyên, LIA6 phường Mỹ Long và Mỹ Phước. Hợp phần 2 nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 1,2 ưu tiên. Trong đó, cải tạo rạch Cái Sơn (dài 1,8km), rạch Bà Bầu (dài 1km), rạch Ông Mạnh (dài 1,6km). Cả 3 rạch được nạo vét đến hết lớp bùn, tiết diện từ 8-15m, đảm bảo thoát nước của tuyến rạch theo mô hình thủy lực.
Bên cạnh đó, xây dựng đường Hùng Vương (1,2km) rộng 24m; đường Trần Quang Diệu (0,9km) rộng 20,5m; kè rạch Long Xuyên (2,3km). Hợp phần 3 là xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư. Hiện nay đã hoàn thành, đủ điều kiện bố trí tái định cư, dự kiến trên 300 nền.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án nâng cấp đô thị TP. Long Xuyên Nguyễn Ngọc Kính cho biết, đầu tháng 1-2021, gói thầu “Thi công cải tạo rạch Cái Sơn” và “Thi công cải tạo rạch Ông Mạnh, Bà Bầu” (gói thầu thứ 4 và 5 trong tổng số 9 gói thầu của dự án) đã được khởi công. Cụ thể, chi phí xây dựng cải tạo rạch Cái Sơn gần 143 tỷ đồng, thi công trong 658 ngày; chi phí xây dựng cải tạo rạch Ông Mạnh, Bà Bầu trên 191 tỷ đồng, thi công trong 900 ngày (kể từ ngày khởi công).
“Chúng tôi đã đề ra các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng và rút ngắn thời gian thi công. Hàng tháng, lãnh đạo ban được phân công phụ trách dự án họp trực tiếp tại công trường với tư vấn giám sát và quản lý hợp đồng, tư vấn thiết kế, nhà thầu để đôn đốc, kiểm tra chất lượng, tiến độ. Cán bộ của ban có mặt thường trực để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giữa thực tế và bản vẽ, đồng thời tham gia phối hợp tăng cường giám sát, kiểm soát chất lượng công trình. Nhà thầu trước khi thi công phải trình tư vấn giám sát thi công và quản lý hợp đồng, Ban Quản lý dự án về kế hoạch, phương thức kiểm soát chất lượng” - ông Kính thông tin.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nâng cấp đô thị TP. Long Xuyên Đào Văn Ngọc đề nghị, Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và quản lý hợp đồng, nhà thầu thi công thực hiện đúng nội dung hợp đồng, huy động nhân lực, nguồn lực, trang thiết bị, máy móc, xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết, hoàn thành công trình với chất lượng cao nhất, kịp thời đưa công trình vào sử dụng theo kế hoạch.
Thay mặt liên danh nhà thầu thi công, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (đơn vị thi công rạch Ông Mạnh và rạch Bà Bầu) Trần Quang Tuyến cam kết: “Chúng tôi quyết tâm thi công đảm bảo tiến độ, an toàn và chất lượng công trình đáp ứng được kỳ vọng của địa phương; huy động tối đa các nguồn lực, tổ chức thi công an toàn, hiệu quả, đảm bảo giao thông, giữ gìn môi trường, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng, xáo trộn sinh hoạt của người dân”.
Trước đây, rạch Cái Sơn, Bà Bầu, Ông Mạnh… góp phần quan trọng vào hệ thống giao thông đường thủy, là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân. Nhưng một thời gian dài chưa có sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường, mọi nước thải chưa qua xử lý đều bị xả trực tiếp ra kênh, rạch. Bên cạnh đó còn là sự thiếu ý thức của người dân (vứt rác bừa bãi, lấn chiếm kênh rạch cất nhà, không chủ động khơi thông dòng chảy, vệ sinh môi trường) đã dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, hình thành các con “kênh chết” trong lòng thành phố, là nỗi ám ảnh của người đang sinh sống gần kênh rạch và người qua đường.
Ông Trần Văn Nhỏ, thay mặt người dân địa phương bày tỏ: “Ai nấy đều hết sức phấn khởi khi các con rạch được khởi công cải tạo. Vì vậy, chúng tôi sẽ vận động bà con hợp tác tốt với nhà thầu để công trình được triển khai thuận lợi, đạt chất lượng cao nhất”. Giờ, nỗi ám ảnh “con kênh đen đen” đang dần được xóa bỏ, cùng với mong mỏi dòng rạch sớm trở lại trong xanh như thuở ban đầu. Để làm được điều đó, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của tất cả mọi người, trước, trong và sau khi các con rạch được cải tạo hoàn thiện, để một lần nữa giúp chúng “tái sinh” bền vững.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH