Đảng công minh - chính trực
Nhìn lại 4 năm qua, Đảng đã lần lượt xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định, ràng buộc cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa. Chỉ đạo đầu tiên của nhiệm kỳ này chính là Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, với nội dung chính là “10 xây, 10 chống”.
Với quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, kể từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng số lượng tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm được phát hiện và nhắc tới nhiều. “Không có vùng cấm, không ai được đứng ngoài luật pháp, đứng trên luật pháp” và sau đó là những cái tên, những người tưởng chừng sẽ không bị “sờ” tới, nhưng đã bị xử lý kỷ luật, bị pháp luật trừng trị. Những cái tên Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Minh Hoàng, Vũ Đức Thuận, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng… và nhiều trường hợp khác đã được nhắc tới, là bài học đau xót về công tác cán bộ, cho thấy sự tha hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng trong luân chuyển, đề bạt cán bộ.
Công cuộc chỉnh đốn Đảng đã từng bước loại bỏ những thành phần thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lợi ích và sự kỳ vọng của nhân dân. Từ năm 2016 - 2019, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp cả nước đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên, trong đó Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức Đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 đồng chí). Người dân đồng tình hoan nghênh trước quyết tâm chính trị, việc làm công minh, kiên quyết của Đảng, với mục đích cao nhất là làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của dân với Đảng.
Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, cán bộ liêm chính
Để chuẩn bị Đại hội XIII, Đảng ta đã làm tất cả những việc cần phải làm về công tác cán bộ. Chưa khóa nào như khóa này, những công việc của khóa XII để chuẩn bị cho nhiệm kỳ XIII đã được Đảng nhìn xa, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và được triển khai từ rất sớm, như: Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị ngày 30-5-2019 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 55-KL/TW, ngày 15-8-2019 của Ban Bí thư về “Tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”…
Trong đó, Kết luận 55 nêu rõ, mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp, trong công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, “nể nang, dễ dãi”, “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ... Bên cạnh đó, có nơi cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử, có hiện tượng “giữ mình”, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế; có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền... Những hạn chế, yếu kém trên đã gây khó khăn, làm mất nhiều công sức của cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng trong công tác cán bộ, tạo dư luận không tốt.
Để khắc phục tình trạng trên, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác cán bộ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng: chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, kịp thời, hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, sơ hở trong công tác cán bộ; đẩy mạnh phân công, phân cấp trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hiện các cấp ủy Đảng, tổ chức cơ sở Đảng đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2020-2025). Một trong những công việc quan trọng được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm là việc thực hiện nhiệm vụ “then chốt”- công tác nhân sự ở các đơn vị, địa phương. Để kịp thời chấn chỉnh “khâu then chốt”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Không để lọt vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cục bộ, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu”.
Đồng thời, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa biến chất. Trách nhiệm này đặt lên vai những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, đòi hỏi sự bền tâm, vững trí, để có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó trước thềm Đại hội XIII của Đảng. Người dân cũng tin tưởng rằng, Đảng sẽ tiếp tục quyết liệt, dũng cảm chấn chỉnh, xử lý nghiêm đội ngũ cán bộ, đảng viên sai phạm; tiếp tục nhìn thẳng vào những khiếm khuyết để sửa chữa, kiên quyết để không lọt những cán bộ vi phạm, tha hóa, biến chất để đảm bảo có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân.
MINH ANH