“Thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ cấp

27/12/2019 - 07:52

 - Khái niệm “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ được thế giới quy định. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn xa lạ với người dân, hoặc không ít người hiểu sai, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trong việc cứu sống bệnh nhân đột quỵ cấp.

Quy ước cụ thể về “thời gian vàng”

BS Hà Minh Đức (Trưởng đơn vị Can thiệp nội mạch, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang, TP. Châu Đốc) cho biết, cần phải hiểu đúng đột quỵ não gồm 2 thể: nhồi máu não (hay tắc mạch máu não, chiếm khoảng 80%) và xuất huyết não (hay còn gọi là vỡ mạch máu não, chiếm khoảng 20%).

Một cas can thiệp đặt stent mạch máu não

“Thời gian vàng” trong đột quỵ cấp là thời gian tốt nhất để cấp cứu kịp thời bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, được quy ước rất cụ thể. Trong vòng từ trước 3 - 4,5 giờ đối với nhồi máu não cấp, có thể dùng thuốc tan máu tiêu sợi huyết (Alteplase). Bệnh nhân đến trong khoảng thời gian này nếu được chẩn đoán là đột quỵ nhồi máu não cấp thỏa các điều kiện sức khỏe cho phép sẽ được tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch Alteplase (rTPA). Nếu tiêu sợi huyết không thành công sẽ tiến hành chụp CTA (CT mạch máu não có thuốc cản quang) xem có tắc mạch máu lớn không, nếu tắc mạch lớn sẽ tiến hành chụp DSA và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ. Bệnh nhân đến trễ sau hơn 4,5 - 6 giờ sẽ không còn được chỉ định thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch nữa (cho dù tắc mạch nhỏ cũng không được sử dụng). Nếu bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch lớn đến trong khoảng thời gian này sẽ được can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Can thiệp tái thông càng sớm càng nhanh chóng khả năng phục hồi của bệnh nhân càng cao.

Sau mốc 6 giờ, tổn thương não càng nặng, hiệu quả can thiệp càng kém, biến chứng sau can thiệp càng cao. Thời gian can thiệp sau 6 giờ là “can thiệp cầu may”, tìm thêm cơ may cho bệnh nhân đến trễ, “còn vùng tranh tối tranh sáng” nghĩa là vùng tế bào não thiếu máu nuôi chưa chết hẳn, còn có thể hồi phục.

Trong xuất huyết não (hoặc chưa loại trừ xuất huyết não), tuyệt đối không được dùng thuốc tan máu đông hoặc các thuốc gây tăng nguy cơ chảy máu. Trong xuất huyết não, phương pháp điều trị và kết quả tùy vào nguyên nhân và mức độ xuất huyết (do tăng huyết áp, vỡ phình mạch, vỡ dị dạng, dùng thuốc chống đông…) và nguyên tắc điều trị chung là càng sớm càng tốt: điều trị bằng thuốc, phẫu thuật, can thiệp cầm máu…

Nên làm gì khi có bệnh nhân đột quỵ cấp?

Tại An Giang, ước tính hàng năm có khoảng 4.500 cas đột quỵ cấp, 2.000 người tử vong và 90% bị tàn tật do di chứng của đột quỵ cấp. Thống kê cho thấy, các yếu tố kinh tế - xã hội đã và đang tác động đến tình trạng gia tăng bệnh này. Các yếu tố làm chậm việc điều trị gồm: thời gian vận chuyển từ nơi xảy ra đột quỵ đến bệnh viện; bệnh nhân không tiếp cận được bệnh viện có điều kiện xử trí đột quỵ cấp trong khoảng “thời gian vàng”; thiếu các chuyên gia về đột quỵ...

Dấu hiệu nhận biết nhanh bệnh nhân đột quỵ cấp (F.A.S.T) là méo miệng (biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng), yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường. Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên, cần gọi cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa khu vực (02963. 550.705) hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất. “Cách xử lý phù hợp nhất đang được áp dụng trên toàn thế giới hiện nay là bệnh nhân đột quỵ nên được chẩn đoán và điều trị nhanh nhất có thể theo các phương pháp phù hợp. Nơi đủ điều kiện cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đột quỵ tối thiểu phải có máy chụp CT-Scan (bệnh viện không có CT-Scan, không nên nhận điều trị đột quỵ cấp). Nơi điều trị đột quỵ cấp tốt nhất là nơi có thể thực hiện được tất cả các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đột quỵ như: máy CT, máy MRI, máy DSA; là nơi có thể thực hiện được tất cả các phương pháp điều trị đột quỵ: tiêm tĩnh mạch rTPA, can thiệp lấy nội mạch DSA huyết khối, can thiệp vỡ mạch bằng coils, đặt Stent, dùng keo gây tắc cầm máu, phẫu thuật cầm máu, mở sọ giải ép, mổ kẹp túi phình, gây mê, hồi sức tích cực… Quan trọng hơn hết, đó là nơi bệnh nhân đến được trong khoảng dưới 3 giờ để có thể điều trị kịp trong “thời gian vàng”” - BS Hà Minh Đức thông tin thêm.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh đã được trang bị đầy đủ các phương tiện “cấp cứu đột quỵ cấp” như: máy chụp CT não, máy DSA, và các phương tiện hồi sức bệnh nhân đột quỵ... Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ đã được đào tạo chuyên sâu về can thiệp mạch máu não và dùng thuốc tiêu huyết khối. Được sự cho phép của Sở Y tế và hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia đầu ngành về can thiệp mạch máu não - TS Trần Chí Cường, bệnh viện đã thành lập đơn vị Can thiệp nội mạch điều trị chuyên sâu về “cấp cứu đột quỵ cấp”.

GIA KHÁNH