“Thư viện xanh” khơi dậy văn hóa đọc

05/01/2024 - 06:18

 - Thường xuyên đọc sách là thói quen tốt, giúp chúng ta tiếp thu nhiều kiến thức mới. Việc đọc sách đối với học sinh lại càng quan trọng, giúp các em tích lũy kiến thức, hiểu biết hơn về cuộc sống. Khuyến khích, thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cơ sở giáo dục quan tâm, nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, xây dựng "Thư viện xanh" trong trường học, giúp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về khoa học, xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh.

Tại Trường THCS Cái Dầu (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), cùng với việc tăng cường đầu sách thì việc xây dựng không gian đọc sách luôn được quan tâm. Cô Phạm Thị Lành (nhân viên thư viện) cho biết, ngoài nguồn có sẵn trong thư viện nhà trường, sách báo được bổ sung thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp, hàng năm Ban Giám hiệu nhà trường huy động ủng hộ sách từ học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường và người dân địa phương. Từ đó, nhận được rất nhiều nguồn sách báo. Đặc biệt, học sinh mang những cuốn sách mình đã đọc ủng hộ vào thư viện nhà trường. Tất cả được lựa chọn, sắp xếp vào tủ sách, được các em tự quản, sử dụng hàng ngày, bổ sung thường xuyên.

“Hiện nay, thư viện nhà trường có hơn 7.000 đầu sách, như: Sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ dành cho giáo viên, sách thiếu nhi, sách tâm lý, kỹ năng sống, khoa học... Các loại truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện giáo dục đạo đức, các mẫu chuyện về Bác Hồ, truyện khoa học viễn tưởng… được bố trí, sắp xếp khoa học theo từng chủ đề. Mỗi ngày, khoảng 100 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đến thư viện đọc sách, nghiên cứu tài liệu chuyên môn, giải trí sau thời gian trên lớp” - cô Lành cho biết.

Học sinh thích thú đọc sách ở “Thư viện xanh”

Không gian “Thư viện xanh” ngoài sân trường vừa đẹp mắt, hấp dẫn, vừa tiện dụng, đặt vào hàng cây xanh râm mát. “Tủ sách di động” có thể mang ra và thu về mỗi ngày. Ngoài ra, còn có góc thư giãn cho học sinh vui chơi (cờ vua, vẽ tranh, viết văn...). Cha mẹ học sinh chủ động nghiên cứu, xây dựng, chọn nơi để tủ sách thân thiện mà không sợ mưa nắng. Tại khu vực có sách, tài liệu, ghế ngồi được bố trí, tạo môi trường thân thiện, yêu thích để hàng ngày cán bộ, giáo viên và học sinh đến đọc sách, thư giãn.

Không gian “Thư viện xanh” thân thiện tạo điều kiện thuận tiện nhất cho giáo viên, học sinh chủ động khám phá, tích lũy kiến thức. Học sinh có thể tự do lựa chọn sách yêu thích, chủ động nhận về thông tin bổ ích, bổ trợ bài học trên lớp. Hoặc các em tham gia vào hoạt động đọc, viết, nghe nhạc, làm thơ... Làm nền tảng cho sự sáng tạo của học sinh, đồng thời làm cơ sở cho giáo viên áp dụng phương pháp dạy học mới.

Một điểm nổi bật của “Thư viện xanh” là sự tham gia tích cực, chủ động của học sinh, giáo viên, Ban Giám hiệu, phụ huynh và cộng đồng. Học sinh có trách nhiệm khích lệ nhau tham gia vào khâu thiết lập, quản lý thư viện. Tất cả cùng bày trí, quản lý và tổ chức thư viện... đảm bảo vai trò làm chủ của các em. Sự tham gia của các đối tượng có liên quan nhằm huy động nguồn lực tổng hợp, xây dựng thành công và đảm bảo sự phát triển bền vững của thư viện.

Đến Trường THCS Cái Dầu vào giờ ra chơi, sẽ bắt gặp hình ảnh từng tốp học sinh ngồi đọc sách báo tại “Thư viện xanh”, vừa đọc vừa trao đổi kiến thức rất vui vẻ. Trần Ngọc Như Huỳnh (lớp 9) chia sẻ: “Thư viện xanh tạo không gian thân thiện, nên mỗi khi đến thư viện chúng em cảm thấy rất thoải mái. Một tuần em đến thư viện 4 ngày để đọc sách. Việc đọc sách thường xuyên không chỉ giúp em rèn luyện kỹ năng đọc, mà còn bổ sung nhiều kiến thức về lịch sử, xã hội và kỹ năng sống”.

Tương tự, Nguyễn Trần Phúc Hậu (lớp 9) thường đến thư viện vào ra chơi, tìm đọc sách lịch sử, sách tư duy, sách toán, vật lý. Phúc Hậu, cho biết: “Đọc sách dưới sân trường râm mát như thế này, em cảm thấy rất thích thú. Thư viện xanh giúp chúng em trao đổi trong lúc đọc không bị gò bó như thư viện truyền thống. Hễ có thời gian, em cùng các bạn đến thư viện thư giãn”.

“Thư viện xanh” đã mang lại niềm vui, sự sáng tạo, giúp các em tiếp thu kiến thức mới, vừa được học, vừa được chơi, vừa được thư giãn sau giờ học căng thẳng. Tin tưởng rằng, những hiệu quả này là nền tảng vững chắc ươm mầm, phát huy văn hóa đọc sách trong thư viện tại nhà trường, giúp học sinh nâng cao kiến thức, nâng cao tầm hiểu biết của mình, biết trân trọng và yêu quý sách. Từ đó, học sinh phát triển đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, về năng lực, phẩm chất, tâm hồn và nhân cách một cách toàn diện.

TRỌNG TÍN