“Truyền lửa” khởi nghiệp cho thanh niên

09/11/2021 - 06:12

 - Việc huy động, kết nối các nguồn lực hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp lập nghiệp, nhất là các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ xuyên suốt của Đoàn thanh niên. Trong nhiều năm qua, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) luôn quan tâm, đồng hành, hỗ trợ các thanh niên có nhiều dự án khởi nghiệp.

Thông qua nhiều cách hỗ trợ, thanh niên nông thôn có thể hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp vào thực tiễn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ đó, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) càng tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn - Hội tại địa phương.

Trước đây, khi phong trào khởi nghiệp mới được phát động, tiên phong thực hiện luôn là các bí thư xã đoàn. Sức lan tỏa từ phong trào đã tạo ra bước đệm giúp thanh niên vùng nông thôn hình thành nên các mô hình phát triển kinh tế hộ. Những người thành công lại tiếp tục làm cầu nối khuyến khích cộng đồng, mong muốn cùng nhau “truyền lửa” ý chí làm giàu. Mỗi năm, số thanh niên tham gia thực hiện các ý tưởng tăng lên, bản thân các bí thư đoàn cơ sở vẫn tiếp tục đầu tư cho ý tưởng mới hoặc nâng chất mô hình kinh tế của chính mình.

Hiểu rõ đối tượng thanh niên là những người đã có sẵn nhiệt huyết, sức trẻ và cần thêm cú hích về tinh thần, việc hỗ trợ, đồng hành của Đoàn Thanh niên bắt đầu từ những bước đơn giản, tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ những mô hình đã thành công, mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức tư vấn khởi nghiệp, thành lập câu lạc bộ theo mô hình sản xuất ở địa phương, hỗ trợ giúp thanh niên có cơ hội phát triển các mô hình kinh tế. Đồng thời, lắng nghe những mong muốn của thanh niên để cung cấp cho các bạn thêm hiểu biết, kỹ năng và động lực để bắt tay khởi nghiệp.

Bí thư Xã đoàn Bình Thạnh Đông Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị chia sẻ: “Huyện đoàn thường xuyên hỏi thăm tình hình của mô hình do thanh niên thực hiện. Với những mô hình có hiệu quả và tiềm năng, Huyện đoàn còn tổ chức buổi tư vấn hỗ trợ tham gia thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho thanh niên khởi nghiệp”.

Các mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên ở huyện cù lao Phú Tân

Huyện đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên còn đóng vai trò làm cầu nối trong công tác giảm nghèo, thường xuyên kêu gọi, vận động các nguồn hỗ trợ để “tiếp sức” cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Sự đồng hành này đã giúp nhiều thanh niên có bước tiến trong nhận thức, nỗ lực vươn lên.

Đánh giá chất lượng các ý tưởng khởi nghiệp của năm 2021, Bí thư Huyện đoàn Phú Tân Lưu Thị Ngọc Huỳnh cho rằng: “Các ý tưởng dự thi chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp và gắn với đặc điểm, điều kiện sản xuất - kinh doanh của thanh niên. Có nhiều ý tưởng dự thi mang tính sáng tạo, để lại ấn tượng tốt với ban giam khảo. Nhìn chung, chất lượng dự thi năm nay không thua kém các năm trước, có nhiều sản phẩm vào vòng chung kết và đạt giải”. Cụ thể, năm nay, toàn huyện Phú Tân có 18 mô hình của ĐVTN đăng ký tham gia ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Trong đó, có 6 ý tưởng vào vòng chung kết của tỉnh và 3 ý tưởng đạt giải. Đáng chú ý là các mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình nuôi cá koi trong ao đất, trồng nấm rơm công nghệ mới, nuôi heo mọi khép kín…

Phát huy phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” làm giàu chính đáng, đồng thời thúc đẩy khả năng sáng tạo của ĐVTN trong phong trào khởi nghiệp, Huyện đoàn Phú Tân thực hiện công trình thanh niên “Hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên”.

Bí thư Huyện đoàn Phú Tân Lưu Thị Ngọc Huỳnh cho biết, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của thanh niên Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị là mô hình khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo và có khả năng phát triển, nhân rộng. Huyện đoàn đã phối hợp Xã đoàn Bình Thạnh Đông thẩm định và cho thanh niên vay vốn từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng để tiếp tục mở rộng mô hình trong thời gian tới. Kết quả, từ đầu năm đến nay, mô hình đã thu hoạch được 2 vụ, sản lượng ước đạt 3 tấn/vụ, lợi nhuận 50 triệu đồng/vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không dừng lại ở đó, sản phẩm trái dưa lưới được đánh giá có tiềm năng, Huyện đoàn đã khuyến khích chị Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị đăng ký tham gia sản phẩm OCOP. Đến nay, sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký công nhận. Ngoài ra, Huyện đoàn phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp những thông tin cơ bản về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm, lợi ích của chủ thể khi tham gia OCOP, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, vai trò của ĐVTN trong OCOP… Đồng thời, tư vấn về thủ tục, các bước hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP, giải đáp những thắc mắc liên quan đến các bước đăng ký, công nhận.

MỸ HẠNH