10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

05/12/2018 - 07:24

 - An Giang có 156 xã, phường, thị trấn, 888 khóm, ấp; dân số 2.159.900 người (579.818 hộ gia đình), gồm 4 dân tộc: Kinh (94,83%), Khmer (3,9%), Chăm (0,62%), Hoa (0,65%). Qua 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, An Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Năm 2008, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn thị trấn An Châu (Châu Thành) xây dựng thí điểm 5 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 5 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Năm 2010, thị trấn An Châu tiếp tục triển khai thêm 3 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 3 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Tính đến nay, huyện Châu Thành đã nhân rộng 13/13 xã, thị trấn có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Với kết quả hoạt động rất khả quan, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới… các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương các cấp quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên, phụ nữ và nhân dân chấp hành pháp luật với nhiều hình thức, phù hợp về nội dung, đối tượng tuyên truyền, như: cổ động trực quan, tuyên truyền qua báo chí, sinh hoạt tổ dân phố, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, với hàng chục ngàn tài liệu tuyên truyền, hỏi đáp pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình… nhân kỷ niệm ngày quốc tế hạnh phúc (20-3), ngày gia đình Việt Nam (28-6), ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11)…

An Giang thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới

Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 18 lớp tập huấn triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho đối tượng cán bộ hội các cấp; tổ chức 12.190 cuộc tuyên truyền, có 351.498 lượt hội viên, phụ nữ tham dự... Thành lập 263 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; các địa chỉ đã phát huy hiệu quả, tư vấn, giúp đỡ nhiều trường hợp bị bạo lực gia đình. Công an tỉnh kết hợp khóm, ấp hòa giải 121 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình; cấp phát hơn 13.000 tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình… Theo Sở Y tế, hoạt động trợ giúp tại 36 cơ sở khám bệnh, cơ sở chữa bệnh công lập được tăng cường, trong đó có 19 cơ sở bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, với 694 bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình được khám và chăm sóc y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai ở 8 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới mô hình hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai mô hình “Xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới” tại 5 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Báo An Giang tuyên truyền trên báo in, báo điện tử về nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình… với hơn 30 tin, 20 bài viết mỗi năm. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở chuyên mục gia đình để tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình… Cùng với đó, Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện phối hợp các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới cho cán bộ công tác gia đình huyện, xã... được 75 lớp, có 4.862 người tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt nêu cao vai trò trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị và các thành viên, gia đình trong việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, phổ biến đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới… Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Cùng với đó, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ huyện đến xã. Thực hiện tốt công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, đảng viên, cán bộ làm công tác gia đình và cộng tác viên các cấp. Duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, tập trung những địa phương có nguy cơ cao về bạo lực gia đình. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tư vấn, xử lý theo pháp luật đối với những cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 513 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 467 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 326 địa chỉ tin cậy (trên 50% xã, phường, thị trấn). Thành lập đường dây nóng “1800 8077”, đặt tại Trung tâm Công tác xã hội do Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội quản lý, hình thành năm 2010 và đi vào hoạt động từ năm 2011. Từ 2008 - 2018, toàn tỉnh xảy ra 4.376 vụ bạo lực gia đình với 3.645 người bị bạo lực gia đình (nam: 24, nữ: 3.621); xử lý 1.268 người (góp ý, phê bình tại cộng đồng), xử phạt hành chính (phạt tiền) 481 người...

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích