Thơ ông là tiếng nói đồng hành cùng lịch sử-dân tộc-thời đại-cách mạng, là sức mạnh tinh thần của nhiều thế hệ cho đến hôm nay và mai sau.
Bộ tem đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Với 82 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, có thể nói, Tố Hữu là người cách mạng làm thơ và coi thơ cũng là một nhiệm vụ cách mạng. Thơ ông là tiếng nói toàn tâm toàn ý vì cách mạng, là bản anh hùng ca, là cuốn biên niên sử hào hùng và bi tráng. Trong thơ của Tố Hữu, chúng ta tìm thấy sự gặp gỡ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và với Đảng, thơ với nhân dân. Ông từng tâm sự rằng: "Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ. Đối với tôi: trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ”.
Người mở đường của nền thơ cách mạng
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920, tại làng Phù Lai (nay là thôn Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trong bối cảnh “Tôi sinh ra chưa được làm người/ Nước đã mất cha đã làm nô lệ”, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Tố Hữu đã đến với cách mạng, đến với thơ từ rất sớm. Mười bẩy tuổi ông đã có thơ đăng. Cùng năm đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 4/1939, Tố Hữu bị địch bắt và đày đi nhiều nhà lao, như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)… Tuy nhiên, ngục tù của thực dân không khuất phục được ý chí cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Tố Hữu. Trong lao tù, Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của ông như một tiếng kèn thôi thúc, cuốn hút lớp lớp thanh niên đi theo cách mạng, để giành lại độc lập tự do, tương lai tươi sáng cho dân tộc.
Năm 1946, tập thơ đầu tay “Từ ấy” ra đời. Với “Từ ấy”, ông viết bằng cả niềm náo nức, reo vui của tâm hồn trẻ tràn đầy nhiệt huyết khi gặp được lý tưởng cách mạng: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”.
Ngay khi vừa ra đời, "Từ ấy” có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng, là tiếng nói thơ ca khơi dậy từ tấm lòng yêu thương và gắn bó với đất nước, là tiếng nói đồng hành với con đường cách mạng. So với các nhà thơ cùng thế hệ, Tố Hữu đã chọn cho mình một con đường đi riêng cho thi ca: “Ta đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm, cù bất cù bơ”. Ông đã viết về cuộc đời của những người cần lao đau khổ. Có thể nói, những thành tựu mà thơ ca đương thời đạt được, đều tìm thấy trong ‘Từ ấy”. Với ‘Từ ấy”, Tố Hữu đã khẳng định phẩm chất thẩm mỹ mới của thơ Việt Nam.
Có thể nói, Tố Hữu như cánh chim đầu đàn chỉ hướng cho cả nền thơ cách mạng Việt Nam. Tư tưởng tiên tiến của thời đại cách mạng, tình yêu sâu thẳm đối với nhân dân được thể hiện trong một hình thức nghệ thuật tinh xảo. Có những giai đoạn thơ Tố Hữu là chỗ dựa tâm hồn cho mọi người. Ông được biết tới như một tiếng thơ hùng tráng, nhà thơ mang tiếng nói của cách mạng, người mà sinh thời, mọi sáng tác được truyền tụng rộng rãi hơn bất cứ một nhà thơ nào trong lịch sử dân tộc.
Thơ ca song hành cùng thời đại
Là người đi tiên phong, tạo nên một tiếng thơ cách mạng đầy quyền uy, có sức thuyết phục, đồng thời cũng tạo nên một hình tượng nhà thơ kiểu mới, Tố Hữu đã mang lại cho thơ ca tiếng Việt một chất mê say mạnh mẽ, lớn lao về một cá nhân nhiệt huyết được lý tưởng cách mạng soi sáng. Thơ đối với ông là phương tiện để phục vụ cách mạng. Thơ ông đã "vẽ lại bức tranh lịch sử cách mạng" của nhân dân Việt Nam thông qua các chặng đường hoạt động của người chiến sĩ cộng sản Tố Hữu.
Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với phong trào thơ ca quần chúng mà những sáng tác điển hình là hình tượng anh bộ đội cụ Hồ, tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu ra đời được coi như là "tiếng hát" của toàn dân kháng chiến. Bằng lời thơ bình dị gần với lời ăn tiếng nói của công nông binh đánh giặc, “Việt Bắc” đã phản ánh đầy đủ con đường chiến đấu gian lao và sự trưởng thành của dân tộc Việt Nam qua những dấu ấn, hình ảnh về cuộc kháng chiến: "Nhớ khi giặc đến giặc lùng/ Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây/ Núi giăng thành lũy sắt dày/ Rừng che bộ đội rừng vây quân thù/ Mênh mông bốn mặt sương mù/ Đất trời ta cả chiến khu một lòng”.
Có thể nói, “Việt Bắc” đã đánh dấu một bước phát triển của thơ Tố Hữu về giọng điệu, ngôn ngữ. Thơ ông dường như hấp thụ cả nguồn mạch dân tộc, thể hiện sự thống nhất giữa cách mạng và dân tộc trong hình thức nghệ thuật, như một “bản giao hưởng anh hùng” trữ tình và bi tráng. Ông tiếp thu cả hai nguồn thơ ca dân gian và bác học, thực hiện sự thống nhất giữa tính dân tộc và hiện đại trong nghệ thuật.
Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên: “một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Bởi lẽ: “...Chín năm nắng núi mưa ngàn/ Nắng mưa có Đảng, cơ hàn có nhau...” Một khi nhà thơ đã tự nguyện: “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu...” (“Bài ca mùa xuân 61”).
Như vậy rõ ràng nhà thơ đã thuộc về Đảng thân yêu của mình. Và Đảng là một phần máu thịt không thể thiếu trong sự nghiệp sáng tạo thi ca của nhà thơ. Bởi "Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau/ Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay".
Giáo sư Phong Lê từng nhận xét rằng: “thơ Tố Hữu đi vào tim mỗi người một cách tự nhiên và thẳng thắn nhất, đó không chỉ là thơ, đó là tiếng nói hộ cho biết bao thế hệ".
Điều này được thể hiện rõ ngay trong đoạn mở đầu bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, Tố Hữu như vỡ òa trong niềm vui sướng đến tột độ được đứng trong hàng ngũ, cũng là niềm vui được viết nên những vần thơ ca ngợi Đảng: “Anh chị em ơi/ Ba mươi năm đời ta có Đảng/ Hôm nay ôn lại quãng đường dài…/ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm...”. Bởi lẽ trước khi có Đảng, dân ta sống trong cảnh nô lệ, tối tăm, mù mịt không biết đi về đâu: “...Thuở nô lệ, dân ta mất nước/ Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm/ Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao.../ Xóm làng ta xơ xác héo hon/ Nửa đêm thuế thúc trống dồn/ Sân đình máu chả,y đường thôn lính đầy/ Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/ Anh chạy vào đất đỏ làm phu/ Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng....”.
Đối với Tố Hữu lúc bấy giờ, Đảng ta như có phép mầu nhiệm, có thể nghe hiểu thấu nỗi thống khổ cơ hàn của hàng triệu người dân mất nước. Dù lời thơ có phần cường điệu hóa, nhưng cốt lõi vẫn là tấm lòng của một đảng viên đối với tổ chức mà mình là một thành viên, đó chính là Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh: "Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây, xương sắt da đồng/ Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta Mác-Lênin vĩ đại/ Đã hồi sinh, trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người…”.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ quyết liệt và hào hùng của dân tộc cho tới ngày toàn thắng, thơ Tố Hữu lại tiếp tục là khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công và lời kêu gọi, cổ vũ hào hùng của cả dân tộc ở cả hai miền Nam, Bắc; khẳng định ý nghĩa to lớn, cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ đối với lịch sử dân tộc và thời đại:“Vì Độc lập, Tự do, núi sông hùng vĩ/ Vì thiêng liêng giá trị Con Người/ Vì muôn đời hoa lá xanh tươi/ Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất” (Xuân 68).
Người ta nói thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị, có nghĩa là thơ bám sát cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không có sự kiện nào đối với lịch sử dân tộc mà không hiện hình trong thơ Tố Hữu, với phong cách trữ tình đặc biệt. Tố Hữu quan niệm rằng: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Nói đến thơ là nói đến sự đồng điệu của tâm hồn”. Xuất phát từ quan niệm đó mà những nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu luôn có mối quan hệ gần như máu thịt với đất nước, nhân dân, cộng đồng. Tố Hữu thường cất lên những tiếng gọi đầy tình thương mến: “bạn đời ơi!”, “anh chị em ơi!”, “Ơi Bác Hồ ơi!”, “Miền Nam ơi!”…
Các sáng tác của Tố Hữu tràn đầy men say hứng khởi đối với lý tưởng cộng sản đúng như Chế Lan Viên nhận xét “Tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người là để nói cho được cái lý tưởng cộng sản ấy thôi”. Dù sử dụng đa dạng các dạng các thể thơ, song Tố Hữu đặc biệt thành công với thể thơ lục bát như trong bài thơ “Việt Bắc”, “Kính gửi cụ Nguyễn Du”…. Lối ngắt nhịp, gieo vần trong thơ Tố Hữu rất tự nhiên, êm nhẹ khiến cho giọng thơ du dương, trầm bổng, dễ đọc, dễ thuộc.
Cả cuộc đời là cống hiến và dâng tặng, trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 82, Tố Hữu vẫn thể hiện rõ phương châm ấy trong bài thơ cuối cùng của ông: "Xin tạm biệt đời yêu quý nhất/ Còn mấy vần thơ, một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường, tro bón đất/ Sống là cho và chết cũng là cho".
Có thể nói, tình thương yêu như là bản chất của tâm hồn ông, một tình yêu bao la không bờ bến. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Tố Hữu đã nâng tình thương mến đến mức một sự đam mê, đó là tình nhân loại mà thấm vào đến mỗi tia máu; đó là tình thân mến của người cộng sản”. Tuy đã đi xa nhưng lịch sử thơ Việt Nam muôn đời sau vẫn còn mãi những vần thơ đẹp nhất của “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Ra trận”, “Gió lộng”, “Máu và hoa”...
Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, nhà thơ Tố Hữu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và giải thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Sao Vàng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật.
Theo HOÀNG YẾN (Báo Tin Tức)