Một nghiên cứu mới đây cho biết khi các sông băng tan chảy và đổ một lượng nước khổng lồ vào các hồ gần đó, 15 triệu người dân trên toàn cầu đang sống trong rủi ro tiềm ẩn trước một trận lũ lụt bất ngờ và gây tỷ lệ thương vong cao. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications ngày 7/2, hơn 1/2 con số trên đến từ 4 quốc gia Ấn Độ, Pakistan, Peru và Trung Quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Một nghiên cứu khác cũng ghi nhận có hơn 150 đợt bùng phát lũ băng cho tới nay. Đây là mối đe dọa khiến 1 triệu người sống gần các hồ lấy nước từ sông băng luôn sống trong trạng thái lo lắng và hỗn loạn.
Một trong những trận lũ băng tàn khốc nhất là ở Peru vào năm 1941 và đã khiến từ 1800 - 6000 người dân sống gần đây tử vong. Hay trận lũ băng vào năm 2020 ở British Columbia, Canada đã gây ra cơn sóng thần cao khoảng 100m. Một trận lũ băng khác vào năm 2017 ở Nepal do lở đất gây ra cũng từng được các nhà leo núi người Đức ghi lại qua video. Theo tác giả chính trong nghiên cứu là ông Caroline Taylor tại Đại học Newcastle ở Vương quốc Anh, sông băng Mendenhall ở Alaska cũng ghi nhận những trận lũ băng nhỏ hàng năm.
Vào năm 2013, mưa lớn và lũ lụt bùng phát ở hồ băng Ấn Độ đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Các nghiên cứu sau đó đã phát hiện một trận lũ lụt khác gây nhiều thương vong khác vào năm 2021 ở Ấn Độ cũng được cho là do sự dòng nước mạnh từ hồ băng. Theo các nhà khoa học, khi các sông băng tan chảy do thời tiết ấm lên thì lượng nước trong các hồ sẽ tăng lên và gia tăng các tình huống nguy hiểm.
"Trước đây, chúng tôi đã từng chứng kiến những trận lũ lụt lớn ở hồ sông băng và giết chết hàng nghìn người dân. Trước những tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, các sông băng đang tan chảy và nước trong các hồ chứa ngày càng nhiều hơn, gây ra bất ổn hơn", Tom Robinson, một nhà khoa học về rủi ro thiên tai tại Đại học Canterbury ở New Zealand đánh giá.
Vỡ sông băng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân
Ông Dan Shugar, nhà địa chất học tại Đại học Calgary, cho biết hầu hết các mối đe dọa sẽ tác động trực tiếp đến những người sống trong vùng lũ băng.
"Khi thế giới ghi nhận nhiệt độ đang ấm lên, chúng ta chắc chắn rằng ngày càng có nhiều hồ băng lớn hơn và mức nghiêm trọng do những hồ này gây ra sẽ còn phụ thuộc vào khu vực người dân đang sinh sống và mức độ dễ bị tổn thương tại đó", ông Shugar cho biết trong một email.
Nhà nghiên cứu Robinson cũng nhận định điểm khác biệt trong nghiên cứu lần này là đã xem xét vấn đề ở cả góc độ khí hậu, địa lý, dân số và mức độ dễ bị tổn thương. Tất cả những yếu tố này sẽ đánh giá "góc nhìn tổng quan về những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới″ trong tất cả 1.089 lưu vực sông băng. Đứng đầu danh sách phải kể đến là lưu vực Khyber Pakhtunkhwa ở Pakistan, phía bắc Islamabad.
"Lưu vực sông băng ở đây đặc biệt nguy hiểm. Rất nhiều người dễ bị tổn thương vì họ sống trong thung lũng ngay bên dưới hồ. Các nhà khoa học đang tập trung quá nhiều vào các lưu vực ở Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc và dãy Himalaya, thường được gọi là High Mountain Asia, và hầu hết đều bỏ qua dãy Andes", ông Robinson nhấn mạnh.
"Sau trận lũ lụt chết người ở dãy Andes vào những năm 1940, khu vực này đang dẫn đầu những nỗ lực giải quyết các mối đe dọa bùng phát lũ băng. Nhưng trong khoảng thập kỷ gần đây, vùng núi cao châu Á bị ảnh hưởng lớn vì dân số đông", Giáo sư Umesh Haritashya tại Đại học địa chất Dayton, nói.
Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng các lưu vực có rủi ro cao thứ hai và thứ ba là ở lưu vực Santa của Peru và lưu vực Beni của Bolivia. Và Ấn Độ xếp vị trí hàng đầu trong danh sách các mối đe dọa vì "số lượng lớn người dân sinh sống ở hạ lưu các sông băng".
Bên cạnh đó, 3 lưu vực sông băng ở Mỹ và Canada cũng được xếp hạng cao về các mối đe dọa tiềm ẩn, từ Tây Bắc Thái Bình Dương đến Alaska. Tuy nhiên, mức độ rủi ro không bằng các khu vực ở châu Á và dãy Andes vì ít người dân sống gần hoặc trong vùng nguy hiểm.
"Bảng xếp hạng này là một danh sách thống kê mới để tiếp tục các nghiên cứu trong thời gian tới", Oliver Korup thuộc Đại học Potsdam ở Đức, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết./.
Theo HỒNG NHUNG (Báo Tổ Quốc)