200 năm kênh Vĩnh Tế: Người xưa đã đào kênh như thế nào?

06/09/2024 - 06:37

 - Cách đây 200 năm, kênh Vĩnh Tế đã được khơi đào bằng sức lao động của hàng chục ngàn dân phu và binh lính, trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt nơi biên thùy Tây Nam đất nước. Từng đoạn kênh hoàn thành ghi dấu biết bao sự hy sinh, mất mát của tiền nhân, nhằm để lại lợi ích lâu dài cho các thế hệ con cháu ngày nay.

Sau khi hoàn thành, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò chiến lược bậc nhất về mặt quốc phòng, kinh tế và giao thông trên vùng biên giới Tây Nam dưới triều Nguyễn. Chính vì tính chất quan trọng của con kênh này, nên công tác chuẩn bị mọi mặt cho việc đào kênh được triều Nguyễn rất quan tâm. Trong đó, nhân sự và công tác hậu cần đã được chuẩn bị chu đáo trong 3 đợt đào kênh, kéo dài từ năm 1819 đến 1824.

Về mặt nhân sự, do đây là công trình mang tính chất quốc phòng, trấn biên nên triều Nguyễn đã giao việc chỉ huy, quản lý công tác đào kênh cho các võ tướng am hiểu sâu sắc về vùng biên giới Tây Nam. Đó là Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Trần Văn Năng, Trần Công Lại, Nguyễn Văn Tồn và nhất là Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại. Những võ tướng này tuy không được đào tạo bài bản về việc “đào sông, khai thủy”, nhưng bằng kinh nghiệm, sự nhạy bén và sáng tạo, họ đã có đóng góp to lớn trong việc tạo nên công trình thủy lợi vĩ đại nhất trên vùng biên giới Tây Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX.

Quan trọng nhất là lực lượng trực tiếp khơi đào kênh Vĩnh Tế. Lực lượng này rất đa dạng, với nhiều thành phần khác nhau, như: Binh lính triều đình đang tại ngũ, nông dân, trai tráng khỏe mạnh được huy động từ nhiều địa phương khác nhau thuộc Gia Định thành. Bên cạnh đó, triều Nguyễn còn cho huy động dân binh và các quan chức người Chân Lạp để cùng tham gia vì lợi ích chung. Điều này đã tạo ra một lực lượng đào kênh đông đảo với tổng số hơn 80.200 người.

Công việc đào kênh được tổ chức và chuẩn bị khá chỉn chu. Trước tiên, triều đình giao cho Mạc Công Du trực tiếp khảo sát, đo đạc tuyến kênh, dự kiến một cách chính xác để vẽ bản đồ dâng lên vua.

Do kênh Vĩnh Tế dài nên khâu khảo sát và đo đạc rất phức tạp, phải chia ra làm 10 đoạn thực hiện. Sau đó, triều đình cho người cắm cọc tiêu, phát cỏ 2 bên thông thoáng. Trong việc xác định hướng thì sử dụng la bàn. Khi đo đạc cắm mốc đến đâu, người ta lại dùng la bàn tìm hướng cho chính xác. Công việc đo đạc, cắm cọc tiêu ở những nơi rừng rậm khá vất vả.

Để con kênh được thẳng, theo tương truyền, các dân phu phải phát cỏ sẵn, đợi lúc ban đêm đốt đuốc trên đầu những cây sào cao, rồi nhắm theo hướng đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển cây sào lửa cho thẳng hàng, người ta lại trèo lên thang trông, cầm một cây sào lửa phất qua phất lại để ra hiệu cho người cắm sào ở phía dưới tìm đúng vị trí. Việc đo đạc và chia đoạn được thực hiện bằng cách kéo dây thừng hoặc dây tre trên thực địa, rồi đánh dấu tương ứng trên sơ đồ theo từng đoạn, để sau này phân chia địa điểm đào cho từng phiên hay từng đơn vị cụ thể.

Dụng cụ đào kênh được triều đình trang bị đầy đủ cho nhân công. Để cung cấp kịp thời công cụ đào kênh, triều đình tổ chức các lò rèn ngay tại công trường của kênh Vĩnh Tế để chế tạo và sửa chữa dụng cụ lao động. Điều này vừa tiết kiệm được thời gian sửa chữa, làm mới dụng cụ, vừa giúp cho công việc đào kênh nhanh hơn.

Dụng cụ đào kênh là những nông cụ sản xuất hàng ngày của nông dân, như: Cuốc, len, xuổng, mai để đào; phảng, dao để chém chặt; sọt, ky để đựng đất… Dụng cụ được phân bổ theo đội, như sau: “Mỗi đội 50 người, mang theo 10 cây cuốc, 10 cây mai, phảng, cây mù u, gàu nước, gióng, gánh, ky mỗi thứ 30 cái, còn lại là dây tre dài một trượng”. Khi đào ở nơi đất đá cứng, người ta còn phải dùng xuổng sắt. Người giữ xuổng, người khác lấy chày vồ đập vào đầu xuổng cho đất đá văng lên. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ rất lớn của dân phu.

Trong hoạt động đào kênh Vĩnh Tế, khâu trọng yếu là phải đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men và tiền công cho dân phu. Để cung cấp đầy đủ lượng gạo lớn cho lực lượng đào kênh trong thời gian dài, triều Nguyễn đã chỉ thị cho các quan thành Gia Định thu mua lương thực của dân với giá phải chăng để dự trữ.

Trong khi đào kênh, để sử dụng hiệu quả sức lao động, người chỉ huy thường tổ chức đào theo đợt, phu đào chia thành phiên và đội. Mỗi phiên làm ít nhất nửa tháng, nhiều là 1 tháng với khoảng 5.000 người. Trong mỗi phiên, người ta chia làm nhiều đội, phân công các chức dịch trông coi để đào từng đoạn kênh. Đồng thời, triều đình cũng giao viên chức thuộc các trấn phụ trách việc cất lán trại, dựng bếp núc để dân phu của trấn mình đến ở trong suốt đợt đào kênh.

Việc cấp tiền và lương thực cho lực lượng đào kênh Vĩnh Tế được triều đình quy định khá cụ thể. Đối với dân binh người Việt, triều đình chu cấp hàng tháng cho mỗi người 6 quan tiền và 1 phương gạo. Còn đối với dân binh người Chân Lạp là 4 quan 5 tiền và 1 phương gạo. Đối với quan chức người Việt trông coi việc đào kênh, “cứ 150 người chức dịch, cấp tiền 1.000 quan, gạo 150 phương”. Còn đối với các đầu mục của Chân Lạp, “cứ 100 người đầu mục Ốc Nha, Bồn Nha, cấp tiền 1.000 quan, gạo 150 phương”.

Triều Nguyễn rất quan tâm đến dân binh đào kênh, nên “xuống dụ cho thành thần Gia Định thường để ý hỏi han, người ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp tiền vải”. Trong quá trình đào kênh và đến khi hoàn thành, triều đình đều ban thưởng, khao đãi cho dân phu, viên quan trông coi, tùy theo cấp bậc và trọng trách.

Nhìn chung, việc đào kênh rất vất vả, điều kiện lao động hết sức khó khăn với thời tiết khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí, thú dữ rắn rết, sinh hoạt thiếu thốn... khiến cho số người đau ốm, tai nạn hoặc bị chết khá nhiều. Điều này thể hiện qua việc Nguyễn Văn Thoại đi chiêu tập hài cốt dân binh chết trong quá trình đào kênh và bài Tế nghĩa trủng văn đã khẳng định sự cực khổ và nguy hiểm đó.

Bức tranh về quá trình đào kênh Vĩnh Tế dưới triều Nguyễn mãi là khúc trường ca đầy bi tráng trong tiến trình giữ đất và an dân của lịch sử Nam Bộ. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, mất mát, ông cha ta đã thể hiện được sự lao động sáng tạo, nghị lực và ý chí phi thường nhằm cải tạo thiên nhiên; khẳng định chủ quyền dân tộc bằng kênh đào Vĩnh Tế vô cùng kỳ vĩ trên vùng Tây Nam biên viễn vào nửa đầu thế kỷ XIX.

 TS DƯƠNG THẾ HIỀN

(Trường Đại học An Giang)