Ngày 5/7, Chương trình Lương thực Thế giới Liên hợp quốc (WFP) cho biết hàng triệu người thiếu lương thực ở Tây Phi có nguy cơ không nhận được viện trợ khi cơ quan này đang gặp khó khăn với nguồn tài trợ bị hạn chế.
WFP cho biết hàng triệu người đói ở Tây Phi không được viện trợ vì cơ quan này đang phải xoay xở với nguồn tài trợ hạn chế để ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất của khu vực trong vòng 10 năm.
Gần một nửa trong số 11,6 triệu người vẫn thường được hỗ trợ lương thực trong mùa giáp hạt (từ tháng 6 đến tháng 8) năm nay đã không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, WFP cho biết trong một tuyên bố.
Cơ quan này cảnh báo rằng hàng trăm ngàn người có nguy cơ buộc phải tham gia các nhóm vũ trang, kết hôn sớm hoặc tham gia vào hoạt động mại dâm để tồn tại.
“Chúng tôi đang ở trong một tình thế bi đát. Trong mùa giáp hạt năm nay, hàng triệu gia đình sẽ không đủ lương thực dự trữ để duy trì cho đến vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 9," Margot Vandervelden, Giám đốc WFP khu vực Tây Phi cho biết.
Tây Phi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong vòng 10 năm với hơn 27 triệu người bị đói, chủ yếu do xung đột, hạn hán và tác động kinh tế của COVID-19.
WFP cho biết tình trạng mất an ninh lương thực ở Tây và Trung Phi hiện đang ảnh hưởng đến 47,2 triệu người trong mùa giáp hạt năm nay, khi nạn đói lên đến đỉnh điểm, trong đó phụ nữ và trẻ em là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
“Tỷ lệ suy dinh dưỡng cũng tăng cao, với 16,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm nay - tăng 83% so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2022”, cơ quan này cho biết.
Tại các quốc gia khu vực Sahel như Mali, Burkina Faso và Niger, nơi các chiến binh thánh chiến ngày càng trở nên nguy hiểm, các cơ quan của Liên hợp quốc ước tính rằng số người chạy trốn bạo lực ở đó đã tăng gần gấp 4 lần, từ 30.000 người vào tháng 1 lên 110.000 người vào tháng 6.
Vandervelden nói thêm: “Chúng ta cần một cách tiếp cận song song để ngăn chặn nạn đói ở Sahel – vừa giải quyết nạn đói cấp tính thông qua hỗ trợ nhân đạo vừa giải quyết các nguyên nhân mang tính cấu trúc của tình trạng mất an ninh lương thực bằng cách tăng cường đầu tư vào các hệ thống lương thực có khả năng phục hồi và mở rộng các chương trình bảo trợ xã hội của chính phủ”.
Theo Công Lý