Anh Bùi Văn Trường (áo trắng) nhận hỗ trợ từ Đội cứu trợ khẩn cấp công nhân.
Chuyện bây giờ mới kể
Dù Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Luxshare-ICT Vân Trung mới thành lập từ tháng 9-2020, nhưng trước đó, khi còn làm công ty cũ, Bùi Trường đã có tám năm kinh nghiệm làm cán bộ công đoàn kiêm nhiệm. Với hơn 22 nghìn đoàn viên, người lao động, có thời điểm lên tới 31 nghìn đoàn viên công đoàn, trong đó có gần 13 nghìn công nhân nữ, Công ty TNHH Luxshare-ICT Vân Trung là mảnh đất quý để anh phát huy năng lực của một cán bộ công đoàn.
Còn nhớ dịp 8-3 vừa qua, khi hàng chục nghìn đoàn viên, người lao động công ty vừa vui mừng, phấn khởi được công đoàn phối hợp chủ doanh nghiệp tổ chức ngày hội lớn cho chị em phụ nữ, thì không bao lâu sau, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp Vân Trung và ba khu công nghiệp khác trên địa bàn phải tạm đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chủ tịch công đoàn Bùi Văn Trường nhớ lại: Khoảng 12 giờ 20 phút, ngày 15-5, xưởng D1 với hơn hai nghìn người đang sản xuất, phát hiện chùm ca bệnh F0 đầu tiên, lãnh đạo, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh ngay lập tức có mặt tại công ty cùng họp với lãnh đạo khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp, công đoàn để bàn giải pháp ứng phó. Trong lúc đó, công đoàn dùng hệ thống loa trong xưởng gọi tên từng công nhân có liên quan đến chùm bệnh ra khỏi phân xưởng lên gặp cán bộ công đoàn, giúp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang phân tách các đối tượng. F1 vào phòng cách ly tạm thời, đồng thời đưa F0 đi bệnh viện. Tất cả công nhân lao động vẫn làm việc bình thường, không một ai biết có sự thay đổi nào sắp đến với mình.
Bùi Văn Trường (áo phông đứng giữa), cùng các lực lượng chống dịch tiếp nhận hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm.
Đến 16 giờ cùng ngày, tiếp tục phát hiện chùm bệnh thứ hai, khi chỉ cách giờ tan ca một tiếng đồng hồ. Mục tiêu của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của tỉnh đề ra, làm thế nào để ngăn không cho công nhân lao động tan ca ra về, mà không bị bất ngờ, hoang mang, có phản ứng manh động. “Rất nhanh chóng, tôi cùng đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch công đoàn công ty xin ý kiến ban chỉ đạo, lãnh đạo công ty, quyết định xuống xưởng D1”, anh Trường kể.
17 giờ chiều, đến giờ tan ca, công nhân lao động rời vị trí sản xuất, đi ra từ hai cửa, Bùi Văn Trường cùng Nguyễn Văn Chiến đứng hai phía cửa bắt đầu làm công việc thông báo tình hình, vận động người lao động quay trở lại vị trí sản xuất, ổn định trật tự, chờ thông báo từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Luxshare-ICT Vân Trung chia sẻ về quyết định táo bạo của mình khi xung phong vào xưởng D1, dù biết mình có thể bị phơi nhiễm SARS-Cov-2 bất cứ lúc nào: Đa số công nhân ở xưởng D1 đều còn trẻ. Nhiều người vừa tốt nghiệp cấp 3, mới được nhận vào làm vài tháng, kinh nghiệm sống còn ít. Họ chưa phải đối mặt nhiều với khó khăn gian khổ, nên tâm lý không vững vàng, dễ phát sinh ý nghĩ nông nổi. Với gần 10 năm gắn bó với người lao động, tôi hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động. Mỗi khi gặp bất trắc, họ luôn muốn một người có vị trí trong công ty, có uy tín, hoặc có khả năng chịu trách nhiệm ở bên cạnh, lắng nghe, động viên và bảo vệ, cùng họ vượt qua khó khăn.
Câu hỏi khơi gợi lòng trắc ẩn và thành công bước đầu
Phản ứng đông đảo đầu tiên của công nhân lao động tại xưởng khi được yêu cầu không trở về nhà, là: chúng tôi không thể nào bị nhiễm bệnh được khi tôi làm ở xưởng 10 mà bạn F0 lại ở xưởng 1. Một số công nhân nam có phản ứng thái quá, một số công nhân nữ bắt đầu khóc thút thít, nhất là nữ đang mang thai. Sau một thời gian bằng các biện pháp vừa mềm dẻo, linh hoạt, lúc cứng rắn, kiên quyết, giải đáp các thắc mắc thấu tình, đạt lý, công nhân lao động chấp nhận quay lại xưởng. Khi đó, anh Trường đã đưa ra câu hỏi khơi gợi lòng trắc ẩn với hơn hai nghìn đoàn viên của mình: Tôi và các bạn hiện giờ không ai biết mình đang là F mấy. Vậy, các bạn có cam tâm mang nguồn bệnh về lây nhiễm cho vợ, con, bố mẹ và người thân trong gia đình không? Nếu bạn nào cam tâm, tôi sẵn sàng đưa các bạn ra tận xe ô-tô để các bạn về với gia đình.
Năm phút lặng lẽ trôi qua, không một cánh tay nào giờ lên, không một người nào chuyển động, tôi biết chắc hơn hai nghìn con người đã đồng thuận ở lại cùng cán bộ công đoàn, phòng, chống dịch với công ty. Đến 19 giờ, bữa ăn, nước uống đầu tiên tại xưởng do công ty hỗ trợ đã đến tay công nhân lao động.
Quy định của công ty trong khi lao động sản xuất, người lao động không được phép mang theo điện thoại vào xưởng, do đó, khi đã ổn định, hai anh em chúng tôi liền đưa điện thoại của mình cho công nhân mượn. Tài khoản cứ hết tiền lại nạp. Cho tới khi công nhân lao động đã ngả người nghỉ đêm, Bùi Văn Trường mới giật mình, nhớ ra gọi điện thông báo về cho vợ. Lúc đó đã sang ngày mới được 30 phút.
Đêm 16-5, UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định, công nhân lao động ở địa bàn nào, địa bàn đó đem xe đến đón người lao động về khu tập trung của địa phương tiếp tục cách ly theo quy định. Tuy nhiên số công nhân lao động ở Công ty khá đông, cộng với công nhân lao động huyện Lục Ngạn cách công ty 90 km không thể đón được, tổng số 1.300 người được quyết định di chuyển ra khỏi xưởng và về khu ký túc xá của Công ty, được Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp quản làm nơi cách ly tập trung.
Sẽ về nhà khi công nhân lao động ổn định sản xuất
Bùi Văn Trường (áo trắng đứng giữa), cùng các lực lượng công an, quân đội, y tế tiếp nhận hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm.
Từ ngày 17 đến 19-5 cũng là khoảng thời gian vất vả nhất của lực lượng phòng, chống dịch tỉnh nói chung, khu công nghiệp và cán bộ công đoàn nói riêng, trong đó cá nhân Bùi Văn Trường. Khi ấy, mọi thứ đang ở bước đầu, còn ngổn ngang, thiếu thốn đủ bề từ bữa cơm đến vật dụng tối thiểu sinh hoạt hằng ngày. Một số công nhân nữ đang mang thai chưa được sắp xếp nơi nghỉ, anh Trường và đồng nghiệp đã nhường phòng cho các bạn nữ công nhân. Khi tình hình ăn nghỉ của 1.300 công nhân lao động công ty đã ổn định, anh Trường mới nhận ra bộ quần áo mình đã mặc năm ngày chưa thay, chưa một lần tắm rửa.
Sau này, ký túc xá của công ty được tỉnh trưng dụng thành khu điều trị dã chiến. F0 từ các nơi đổ về, gia tăng mức độ nguy hiểm hơn trước rất nhiều. Hằng ngày, chứng kiến nỗi vất vả của các lực lượng chức năng như bộ đội, công an, y tế… căng mình chống dịch, hết lòng hỗ trợ phục vụ người bị cách ly, người cán bộ công đoàn cơ sở Bùi Văn Trường đã xung phong hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong ký túc xá nhiệt tình nhất.
Những ngày đầu, thực phẩm chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động, anh đã qua mạng facebook, zalo kêu gọi người thân, nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện… hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm như: cơm hộp, mì ăn liền, nước uống. Ngay lập tức, rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã nghe theo lời kêu gọi của cán bộ công đoàn có uy tín, vận chuyển hàng nghìn suất ăn, hàng tấn nhu yếu phẩm tới nơi tập kết để các lực lượng chức năng phân phối tới công nhân lao động đang cách ly.
Bùi Văn Trường thấu hiểu nỗi khó khăn, chất dinh dưỡng của các công nhân nữ đang mang thai nên đã thông báo kịp thời tới Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang gửi sữa, bánh kẹo, vào ký túc xá phục vụ chị em.
Vài ngày sau lệnh cách ly, phong tỏa khu công nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang nhanh chóng thành lập gần 30 siêu thị “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ cứu trợ công nhân khẩn cấp”. Lúc đó nhu cầu lương thực, thực phẩm đã không cấp thiết, công nhân lao động ổn định tâm lý, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, anh Trường đã giãn việc và có thể trở về gia đình nhưng anh vẫn xin ở lại. Hiện, anh đang cùng các phòng, ban công ty làm việc online, gấp rút hoàn tất các thủ tục để công ty có thể quay trở lại sản xuất trong thời gian sớm nhất.
“Là con người, không phải gỗ đá, có những lúc nhớ về vợ con tôi cũng chạnh lòng. Nghĩ tới cha mẹ lớn tuổi còn đang ở Bắc Ninh, tôi có ít nhiều băn khoăn, khi không ở bên cạnh họ lúc cả hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đang gồng mình chống dịch. Nhưng tôi biết, ở hậu phương còn có rất nhiều người bên cạnh gia đình tôi. Vợ tôi là người phụ nữ tần tảo, chu toàn nên tôi yên tâm phần nào. Bản thân cũng là lao động nhập cư không ở cạnh gia đình, quê hương lúc khó khăn, hoạn nạn, tôi muốn ở cạnh công nhân lao động nhập cư, đoàn viên để thấu hiểu và chia sẻ phần nào với họ”, anh Trường chia sẻ.
Trước khi chia tay, Bùi Văn Trường quả quyết: Chỉ khi nào, công nhân lao động trong công ty được an toàn, quay về nhịp sản xuất bình thường, tôi sẽ rời công ty về nhà.
“Những ngày gần đây, do các cấp Công đoàn tỉnh Bắc Giang chăm lo tốt cho đoàn viên người lao động thông qua các “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ cứu trợ công nhân khẩn cấp” và anh chị em công nhân đã ổn định tâm lý, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch nên tôi cũng giãn việc, có thời gian gọi điện về nhà với gia đình, nhất là với hai con gái nhiều hơn những ngày đầu. Và trong khi nói chuyện, các cháu luôn hỏi: Bố ơi, bao giờ bố mới về, để đưa con đi công viên để tô tượng, học tiếng Anh, ăn bánh cuốn trứng… Những lúc này tôi cũng đã “lung lay”. Nhưng tôi đã cố gắng dằn lòng mình, bởi ngay từ đầu tôi xác định mục đích là ở lại để cùng anh chị em người lao động chống dịch, nên tôi đành trả lời các con rằng, khi nào các cô, chú công nhân được quay trở lại làm việc bình thường thì bố sẽ về nhà…”, ông Trường cho hay.
Tính đến ngày 9-6, ông Trường đã ở trong vùng “nóng” cùng công nhân chống dịch Covid-19 được 26 ngày.
|
Theo ĐẶNG THỊ HÀ (Báo Nhân Dân)