Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng đang được lấy ý kiến. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước quy định chấm dứt phát hành thẻ ATM nội địa dùng công nghệ từ, thay bằng thẻ chip. Đồng thời, gia hạn cho các điểm thanh toán nâng cấp máy chấp nhận thẻ chip đến cuối năm.
Thẻ từ ATM từ 31-3 sẽ dừng phát hành từ 31/3. (Ảnh: damircudic/Getty Images)
Cụ thể, dự thảo thông tư quy định từ ngày 31-3-2021, các tổ chức phát hành thẻ thực hiện việc phát hành thẻ nội địa mới là thẻ chip (không phát hành thẻ nội địa mới là thẻ từ).
Cùng với đó, đến ngày 31-12-2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Như vậy, dự thảo thông tư mới kéo dài thời hạn cho các đơn vị sở hữu cây ATM và điểm chấp nhận thêm một năm để nâng cấp thiết bị, đảm bảo 100% tương thích thẻ chip ATM.
Việc thay thẻ từ bằng thẻ chip, đồng thời nâng cấp thiêt bị chấp nhận đòi hỏi thời gian, nguồn lực, nhân sự, do đó Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung thời gian phù hợp để các đơn vị kịp chuyển đổi.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi 30% thẻ từ sang thẻ chip trong năm 2019, đến năm 2021 sẽ chuyển đổi 100%.
Khoảng tháng 5-2019, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết có khoảng 7 ngân hàng lớn tham gia chuyển đổi, chiếm xấp xỉ 70% trong tổng số khoảng 70 triệu thẻ ATM nội địa thời điểm đó.
Vì sao chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip?
Trước đây, thẻ ATM công nghệ cũ lưu trữ thông tin trên một dải từ đặt ở mặt sau thẻ. Thông tin lưu trữ trên dải từ không được mã hoá nên dễ bị đánh cắp, gây mất an toàn cho chủ thẻ. Tội phạm có thể làm giả máy đọc hoặc gắn thiết bị ở các cây ATM để trộm thông tin, mật khẩu, sau đó làm giả thẻ để đánh cắp tiền trong tài khoản.
Dùng công nghệ chip EMV, thông tin được mã hoá, lưu trữ bên trong con chip tích hợp trên thẻ để đảm bảo an toàn. Với mỗi giao dịch, chip EMV tạo ra chuỗi mã hoá một lần, được tạo ra bởi chip trên thẻ và chip trên máy đọc. Mã này không dùng được cho giao dịch sau, do đó trong trường hợp bị sao chép cũng không sử dụng lại được.
Để giao dịch thành công, lệnh thanh toán phải được xác thực từ ngân hàng phát hành thẻ, cổng thanh toán của NAPAS, do đó mức độ bảo mật được nâng cao hơn.
Việc chuyển đổi thẻ từ ATM sang thẻ chip nằm trong lộ trình giảm thiểu thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trong đó, việc tăng cường bảo mật thanh toán là yếu tố quan trọng giúp người dân an tâm dùng các công cụ thanh toán kỹ thuật số.
Một khảo sát của Visa cuối năm 2019 cho thấy 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tiếp theo. Trong đó, thanh toán không tiếp xúc được bảo mật bởi công nghệ chip EMV được 85% người tiêu dùng sử dụng thường xuyên hơn so với 2 năm trước.
Theo HẢI ĐĂNG (Vietnamnet)