4 ngân hàng lớn giảm mạnh lãi suất huy động xuống mức thấp nhất hệ thống

23/08/2023 - 15:05

4 ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn, xuống mức thấp nhất hệ thống.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, từ hôm nay 23/8, Vietcombank, VietinBank và BIDV đồng loạt giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,8%/năm, thay vì mức 6,3%/năm như trước đó. Đây là lãi suất áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại các ngân hàng này.

Lãi suất kỳ hạn 1 và 3 tháng cũng giảm 0,3%/năm xuống mức 3%/năm và 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 4,7%/năm.

Tương tự tại Agribank, lãi suất các kỳ hạn cũng giảm từ 0,3-0,5%/năm. Tuy nhiên mức cao nhất 5,8%/năm chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tại Agribank chỉ còn 5,5%/năm. Kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng tương tự 3 ngân hàng trên.

Trước đó, một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) hay Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã giảm sâu lãi suất huy động, xuống thấp hơn cả 4 ngân hàng lớn. Trong đó, lãi suất cao nhất tại Eximbank chỉ còn 5,9%/năm; ACB còn 6,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại VIB, MB chỉ từ 6-6,1%/năm. 

Như vậy sau lần điều chỉnh lần này, lãi suất huy động tại 4 ngân hàng lớn đã trở về mức thấp nhất hệ thống. 

So với mức đỉnh từ 9-10%/năm hồi đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm sâu sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Đợt điều chỉnh lãi suất huy động lần này nhằm tạo điều kiện giúp các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Ngày 22/8, tại Hội thảo với chủ đề “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã chỉ ra một số vấn đề khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay mà ngành ngân hàng phải tính toán và giải quyết một cách hài hòa. Chẳng hạn như vấn đề giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo khối lượng tín dụng, đảm bảo kiểm soát chất lượng tín dụng và ổn định tỷ giá, đảm bảo niềm tin và thu hút vốn đầu tư hay việc giảm lãi suất cho vay nhưng phải hạn chế giảm lãi suất huy động ở mức độ phù hợp; thúc đẩy và tăng trưởng tín dụng, đây là yêu cầu rất cấp thiết lúc này nhưng lại phải đảm bảo chất lượng tín dụng không để nợ xấu tăng, đảm bảo an toàn hệ thống...

Phó Thống đốc nhấn mạnh các ngân hàng thương mại phải thể hiện nhiều hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn tài chính, bên cạnh hạ lãi suất là giảm các loại phí. Đồng thời, cắt giảm các thủ tục tiếp cận tín dụng, tạo cơ hội kích thích nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp. Lúc này, các ngân hàng thương mại phải chia sẻ với các doanh nghiệp.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo TTXVN