Theo công văn, Bộ GD&ĐT căn cứ nhu cầu của các địa phương, Bộ, ngành về nhân lực giáo viên trình độ đại học chính quy để xác định chỉ tiêu đào tạo, tuyển sinh cho các trường năm 2023.
Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, các trường đại học, cao đẳng sư phạm trực thuộc UBND tỉnh, thành phố, Bộ, ngành chỉ tuyển sinh khi được giao chỉ tiêu và kinh phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.
Năm nay, trường Đại học Sư phạm TP.HCM được giao tuyển 1.710 chỉ tiêu cho 22 ngành đào tạo giáo viên, trong đó, ngành Giáo dục tiểu học lượng chỉ tiêu cao nhất - 320 em.
Trường Đại học An Giang được giao 514 chỉ tiêu, cao nhất - ngành Giáo dục tiểu học 200 chỉ tiêu.
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được giao tuyển sinh 617 chỉ tiêu đào tạo giáo viên.
Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương được giao 666 chi tiêu tuyển.
Trường Đại học Hồng Đức được duyệt 985 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay (giảm 100 chỉ tiêu so với năm trước).
Trước đó, Bộ GD&ĐT ra công văn thông báo không giao chỉ tiêu tuyển sinh cho 16 trường đại học, cao đẳng sư phạm tại 11 địa phương không có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên năm 2023.
Theo quyết định của Bộ Chính trị ký ban hành năm 2022 về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 cần bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ GD&ĐT xác định nguyên nhân của tình trạng trên là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.
HÀ CƯỜNG (VTC News)