Phản ứng não của người tham gia thí nghiệm khi xem hình ảnh được ghi lại qua điện não đồ ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Helsinki (Phần Lan) và Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã làm nhiều thí nghiệm để xem liệu một máy tính có thể xác định được các đặc điểm trên khuôn mặt mà chúng ta cho là hấp dẫn hay không, và dựa theo đó để tạo ra những hình ảnh mới phù hợp với tiêu chí mong muốn cá nhân của chúng ta.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã sử dụng AI cho việc giải thích các tín hiệu não và kết hợp kết quả thu được từ giao diện não - máy tính với một mô hình tổng thể các khuôn mặt nhân tạo. Cách tiếp cận này cho phép máy tính tạo ra hình ảnh khuôn mặt phù hợp với sở thích của từng cá nhân.
“Trong các nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã thiết kế các mô hình có thể xác định và kiểm soát đặc điểm chân dung đơn giản, chẳng hạn như màu tóc và cảm xúc. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại phần lớn ở mức ai tóc vàng và ai đang cười. Sự hấp dẫn là đối tượng nghiên cứu khó hơn vì nó liên quan đến văn hóa và tâm lý, những yếu tố có thể đóng vai trò vô thức trong sở thích cá nhân của chúng ta. Thật sự chúng ta rất khó giải thích chính xác điều gì khiến cho một cái gì đó hoặc một ai đó đẹp. Vẻ đẹp nằm trong mắt của người xem”, Michiel Spapé, nhà nghiên cứu cao cấp, tiến sĩ Khoa Tâm lý và Ngôn ngữ bệnh học (Logopedics) tại Đại học Helsinki, nói.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu giao nhiệm vụ tạo ra hàng trăm bức chân dung nhân tạo cho một mạng nơ-ron đối nghịch chung (generative adversarial neural network - GAN). Kết quả hình ảnh lần lượt được đưa cho 30 tình nguyện viên xem, với yêu cầu chú ý đến những khuôn mặt mà họ thấy hấp dẫn. Phản ứng não của họ ngay trong thời điểm xem hình ảnh sẽ được ghi lại qua điện não đồ (electroencephalography - EEG).
“Thí nghiệm hoạt động hơi giống ứng dụng hẹn hò nổi tiếng Tinder. Tuy nhiên, người tham gia ở đây không phải làm bất cứ điều gì ngoài việc nhìn vào hình ảnh. Chúng tôi đo phản ứng tức thì từ não của họ đối với hình ảnh”, tiến sĩ Spapé cho hay.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu điện não đồ bằng kỹ thuật máy học, kết nối dữ liệu điện não đồ cá nhân thông qua giao diện não - máy tính với một mạng thần kinh sinh dưỡng. "Giao diện não - máy tính có thể lý giải ý kiến của người dùng về mức độ hấp dẫn của một loạt hình ảnh. Bằng cách diễn giải quan điểm cá nhân đó, mô hình AI dùng để diễn giải phản ứng của não và mạng nơ-ron tổng hợp mô hình hóa hình ảnh khuôn mặt có thể kết hợp cùng nhau để tạo ra một hình ảnh khuôn mặt hoàn toàn mới theo sở thích cá nhân”, Phó giáo sư Tuukka Ruotsalo, người đứng đầu dự án nghiên cứu, cho biết.
Để kiểm tra tính phù hợp, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các bức chân dung mới cho từng người tham gia, dựa trên dự đoán họ sẽ cảm thấy hấp dẫn về mặt cá nhân. Sau khi thử nghiệm trong quy trình mù đôi (double-blind procedure), kết quả nhận thấy các hình ảnh mới phù hợp với sở thích của đối tượng với độ chính xác khách quan hơn 80%.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả đạt được có thể mang lại lợi ích cho xã hội bằng cách nâng cao năng lực học hỏi cho máy tính, đặc biệt trong việc ngày càng hiểu được sở thích chủ quan của con người, thông qua sự tương tác giữa các giải pháp AI và giao diện não - máy tính. "Nếu điều này có thể xảy ra ở một thứ gì đó mang tính cá nhân và chủ quan như sự hấp dẫn, chúng tôi cũng có thể xem xét các chức năng cao cấp khác như khả năng nhận thức và ra quyết định”, tiến sĩ Spapé nói.
Nghiên cứu kết hợp giữa khoa học máy tính và tâm lý học được đăng trên tạp chí lưu trữ quốc tế đa lĩnh vực IEEE Trans Transaction in Affective Computing.
Theo PHƯƠNG ANH (Thanh Niên)